Huyện Ba Vì có nhiều lợi thế phát triển các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng… Tuy nhiên, thời gian gần đây du lịch Ba Vì mới đang dần được đánh thức và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đoàn Fam của Hà Nội đến thăm Khu di tích K9
Nhiều không gian trải nghiệm
Cách trung tâm Hà Nội 60 km về phía Tây, Ba Vì là một vùng địa linh nhân kiệt thuộc xứ Đoài. Nơi đây tập trung nhiều thiết chế văn hoá dân tộc như đình, chùa, đền, miếu… với hơn 300 di tích lịch sử văn hoá, đặc biệt có những ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào loại đình cổ nhất, kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam như Đình Tây Đằng, Đình Thụy Phiêu, Đình Thanh Lũng…
Bên cạnh đó, Ba Vì còn nổi tiếng với không gian xanh, sạch, nơi chứa đựng nét đẹp hoang sơ lý tưởng và đầy thú vị của núi non, sông hồ, làng quê truyền thống. Với những lợi thế hiện có, Ba Vì đã phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch hội thảo, du lịch cộng đồng. Trong đó nhiều điểm đến đang thu hút du khách như: Khu di tích K9 Đá Chông, Vườn Quốc gia Ba Vì, Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Tiên, Du lịch sinh thái ở Ba Trại…
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Lâm Văn Hoan – Phó Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Khu di tích K9 Đá Chông cho biết: “thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về “Mở rộng thăm quan Khu Du tích K9 cho nhân dân và khách quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc” vào tháng 8/2017 trong chuyến lên thăm và dâng hương của Thủ tướng tại Khu di tích K9 Đá Chông. Thực hiện chỉ đạo đó, chúng tôi đã tổ chức lại công tác đón tiếp thay vì các đoàn khách phải đăng ký dưới Hà Nội như trước kia thì nay có thể đăng ký qua điện thoại hoặc trực tiếp đến Khu Di tích đăng ký là có thể được vào thăm quan ngay. Ngoài ra toàn bộ đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên đều được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Hiện hơn 20 thuyết minh viên của Khu Di tích đã giao tiếp thành thạo tiếng Anh”.
Từ một địa điểm bí mật, di tích K9 đã chính thức mở cửa đón khách trong nước kể từ ngày 19/5/2016 và đến nay đã đón gần 1 triệu lượt khách đến tham quan. Chỉ sau 3 tháng mở cửa đón khách nước ngoài (từ ngày 19/5/2017), khu di tích đã đón đông đảo khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, và hiện nay số khách quốc tế đến Khu di tích K9 không ngừng tăng cao, nhiều thời điểm bãi gửi xe của Khu Di tích bị quá tải.
Cùng với Vườn Quốc gia Ba Vì thì các vườn chè tại xã Ba Trại cũng là những địa điểm du lịch lý tưởng cho du khách vào mùa hè và mùa thu, đây là địa điểm lý tưởng cho các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đến trải nghiệm các công đoạn để làm ra sản phẩm chè xanh nối tiếng. Hiện nhiều hộ dân trồng chè đã liên kết với các công ty du lịch để phát triển loại hình du lịch khám phá đầy đặc sắc, mới mẻ và thú vị này. Đây cũng là loại hình du lịch được nhiều du khách quốc tế ưa chuộng và yêu thích. Đặc biệt, nhiều resort đã được xây dựng tại Ba Vì để phục vụ du khách tại đô thị lớn, rất phù hợp với những du khách từ trung tâm Hà Nội về nghỉ ngơi ngắn ngày.
Tăng cường xúc tiến đầu tư
Ngày 20/9 vừa qua Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Ba Vì tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Huyện Ba Vì”, với sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Hà Nội và huyện Ba Vì.
Mô hình liên kết giữa Trang trại Đồng quê với hộ nông trại trồng chè Nguyễn Quang Hùng (thôn 3 xã Ba Trại- Ba Vì) nhằm giới thiệu cho du khách các công đoạn làm chè
Ông Trần Đức Hải- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Với hơn 80% hộ dân trên địa bàn xã Ba Trại (Ba Vì- Hà Nội) trồng chè, những vườn chè ở đây trải dài trên những sườn đồi, bên cạnh đó là hệ thống các gia đình kinh doanh dịch vụ Home Stay, nhà hàng, resort, cơ sở hạ tầng giao thông từ trung tâm Hà Nội lên đây rất thuận lợi nhưng du lịch ở Ba Vì chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có của nó một phần là bởi công tác truyền thông còn hạn chế, ngoài ra chất lượng tại các cơ sở lưu trú đặc biệt tại các Home Stay còn kém cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa”.
Chia sẻ về vấn đề này Bà Đinh Thị Hảo- Thôn 9 xã Ba Trại – Chủ Home Stay Thanh Hiếu cho biết: “Gia đình chúng tôi có 6 sào đất trước kia trồng chè mỗi năm cho thu nhập từ cây chè khoảng 7 triệu đồng, cách đây 10 năm chúng tôi chuyển đổi sang làm Home Stay với thu nhập hàng năm trung bình khoảng 50 triệu đồng. Chúng tôi muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhiều đối tượng khách hơn nhưng khó khăn của chúng tôi chính là vốn và ngoại ngữ, cũng như công tác quản lý”.
Ông Emmanuel Cerise- Đại diện vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Hà Nội ( PRX – Vietnam) chia sẻ: “Ba Vì đã làm tốt công tác duy tu tại các di tích lịch sử văn hóa đặc biệt là khu K9. Nhiều điểm đến đã thể hiện sự khác biệt như Khu du lịch Long Việt với Bảo tàng về ma túy điều này rất tốt trong việc giáo dục cho các đối tượng du khách là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Điểm yếu của Du lịch Ba Vì đó là chúng ta cần phải xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm như: chè, sữa, Home Stay… Tại Pháp đối với vùng Ile-de-France của chúng tôi chỉ cần Home Stay nào đạt được chứng nhận (mang thương hiệu của vùng) thì du khách hoàn toàn yên tâm đăng ký vào nghỉ”.
Ông Đỗ Mạnh Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bì cho biết: "Hiện Ba Vì có khoảng 15 doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó xu hướng phát triển du lịch cộng đồng đang là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp và được Huyện hết sức quan tâm và tạo điều kiện. Trong những năm qua du khách đến Ba Vì ngày càng tăng cao, 8 tháng đầu năm 2018 ước tính lượng khách đến với Ba Vì đạt trên 2,1 triệu lượt khách và dự kiến hết 2018 đạt khoảng 2,6 triệu lượt và doanh thu ước đạt 250 tỷ tuy nhiên điều này vẫn còn khiêm tốn. Việc chúng ta chưa quảng bá chưa thu hút được là điều mà chúng tôi còn gặp khó khăn và chúng tôi mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm hợp tác của các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ UBND thành phố Hà Nội trong việc xây dựng thị trường cho du lịch Ba Vì”.
UBND huyện Ba Vì đã có kế hoạch và các giải pháp phấn đấu đến năm 2020 đón 3,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 500 tỷ đồng. Muốn đạt mục tiêu đó, huyện cần phát triển nhanh hạ tầng, kỹ thuật, triển khai thực hiện quy hoạch các khu, điểm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tuyên truyền, quảng bá, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, huy động nguồn vốn… |