Nằm ở phía Bắc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn với tiềm năng du lịch lớn, những năm qua, xã Hữu Liên đã thu hút một lượng du khách lớn, trong đó có cả khách nước ngoài từ các nước châu Âu, châu Úc, ASEAN để trải nghiệm và tìm hiểu về văn hóa bản địa đặc sắc của bà con của dân tộc thiểu số nơi đây.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã rất quan tâm đầu tư phát triển có trọng tâm về lĩnh vực du lịch, đặc biệt coi trọng phát triển bền vững du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng.
Xã Hữu Liên có diện tích tự nhiên khoảng 6,6 nghìn ha, nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá vôi đa dạng sinh học thuộc khu bảo tồn thiên nhiên: Rừng đặc dụng Hữu Liên. Trong xã có khoảng 7 dân tộc cùng sinh sống chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Dao… nơi vẫn lưu giữ được nguyên vẹn những phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống mang đậm đà bản sắc của người dân tộc bản địa.
Nơi đây được tạo hóa ban cho cảnh sắc thiên nhiên kỳ diệu. Những núi đá vôi hiểm trở, những hang động kỳ bí, những dòng suối ngầm và hồ nước trong veo khiến bạn được giao hòa với đất trời, với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và bí ẩn.
Chèo thuyền Kayak tại Hạ Long trên cạn Đồng Lâm
Điểm khác biệt rõ nét nhất của Hữu Liên với những điểm du lịch cộng đồng khác là hệ sinh thái đa dạng, rừng đặc dụng Hữu Liên với diện tích rừng tự nhiên lên đến 8,9 nghìn ha, trong đó có 2 khu rừng nguyên sinh với 776 loài thực vật và khoảng 30 loài thực vật quý hiếm đã được Nhà nước xếp vào sách đỏ, 409 loài động vật tự nhiên trong đó 61 loài động vật đã được xếp vào sách đỏ… Đây là lá phổi xanh cho vùng Đông Bắc, có dự trữ tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học cao, là địa chỉ thu hút cho công tác nghiên cứu khoa học cũng như du lịch sinh thái.
Ẩn hiện giữa khung cảnh thiên nhiên thơ mộng là những dãy nhà sàn phục vụ du lịch cộng đồng
Khu vực sinh thái Đồng Lâm có diện tích hàng trăm ha, gồm những cánh đồng cỏ rộng và nhiều thảm thực vật phong phú như một sân Golf tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, tạo nên một phong cảnh nên thơ, hữu tình làm say đắm biết bao du khách mỗi khi có dịp đến tham quan, du lịch. Nơi đây được PGS-TS Phạm Hồng Long, người đi du lịch hầu hết các quốc gia trên thế giới gọi là “Cao nguyên Mông Cổ của Việt Nam”.
Những du khách trong trang phục dân tộc check-in sống ảo ở thảo nguyên hoa
Đến với Hữu Liên, du khách vừa có thể kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa, đời sống xã hội của người dân địa phương vừa có thể khám phá các thảm thực vật của khu rừng nguyên sinh đa dạng sinh học và thưởng ngoạn những phong cảnh hữu tình trong khu vực Đồng Lâm.
Du khách chụp ảnh lưu niệm cùng các thiếu nữ Dao trong trang phục truyền thống của đồng bào
Đặc biệt là vào mùa mưa, khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, khi nước dâng cao phủ kín các cánh đồng cỏ tạo nên một không gian vô cùng kì vĩ, du khách cũng có thể tham quan và trải nghiệm các hoạt động vừa câu cá, chèo mảng hay thuyền Kayak vừa thưởng thức không khí trong lành của vùng sinh thái Đồng Lâm...
Bên cạnh những phong cảnh tự nhiên, hoang sơ, dân dã, Hữu Liên còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể như hát Pá Xoan của dân tộc Dao, hát Nhà tơ (hát cửa đình), hát Then, diễn Chèo cổ, trang phục dân tộc Dao và các lễ hội đình, đền... do chính người dân bản địa biểu diễn để phục vụ các du khách khi có nhu cầu thưởng thức về nghệ thuật truyền thống.
Tuyệt tình cốc hồ Đồng Lâm
Đến với Hữu Liên, du khách sẽ được trải nghiệm, nghỉ ngơi ngay trên những nhà sàn bằng gỗ mái ngói lợp âm dương truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thưởng thức các loại đặc sản hấp dẫn được chế biến từ những nguyên liệu truyền thống tại địa phương nhâm nhi cùng ly rượu ngô men lá của đồng bào người dân tộc Dao, tắm nước thảo dược có tác dụng chữa bệnh, phục hồi sức khoẻ hoặc trải nghiệm kỹ thuật đan lát, làm chổi truyền thống cùng với những người dân bản địa…
Sự đa dạng của tự nhiên, sinh học cùng với bề dày văn hoá truyền thống tại Hữu Liên được bảo tồn nguyên vẹn chính là những giá trị văn hóa du lịch tiềm năng đang được chính quyền và người dân khơi dậy để phát triển các loại hình du lịch bền vững trong thời gian tới.
Sơn Tùng