Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch - Bài 1: Sức hút đối với du khách
Cập nhật: 14/05/2020
Năm 2019, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương, Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục điểm đến hàng đầu châu Á.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của ẩm thực Việt - trong đó có ẩm thực Nam Bộ gắn với các hoạt động du lịch đã được khẳng định với du khách khắp năm châu.

Thời gian tới, để tiếp tục phát huy vốn quý ẩm thực gắn với hoạt động du lịch, tạo thêm nhiều điểm nhấn cho du khách khi đến đất nước Việt Nam nói chung, vùng đất phương Nam nói riêng, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được mà cần có những giải pháp đột phá hơn, khai thác bền vững các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch. 

Lễ hội Tết Việt 2020 lần đầu tiên được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu ẩm thực Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Bài 1: Sức hút đối với du khách

Nói đến văn hóa ẩm thực của mỗi địa phương là nói đến cách lựa chọn, phối hợp các nguyên liệu, cách chế biến, trình bày và cả cách thưởng thức từng món ăn, qua đó thể hiện quan niệm, phong tục tập quán của cư dân bản địa. Theo đó, nhìn từ khía cạnh phát triển du lịch, ẩm thực chính là một trong những yếu tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn, định vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến để thu hút du khách đến và trải nghiệm không chỉ một lần.

Tiềm năng đa dạng

Đóng góp vào bức tranh tổng thể của ẩm thực Việt Nam không thể không nhắc đến sự đa dạng, phong phú trong nghệ thuật ẩm thực của các địa phương khu vực Nam Bộ. Nhiều nhà nghiên cứu từng khẳng định ẩm thực của vùng đất này gắn với lịch sử khai hoang mở cõi của ông cha ta từ bao đời, vừa thể hiện nét phóng khoáng, dễ dung nạp, giao hòa, tiếp thu những nét tinh túy của các vùng, miền lại vừa có sự sáng tạo, linh hoạt để hình thành rất nhiều đặc sản ẩm thực, tạo nên các mảng màu đặc sắc trong bức tranh ẩm thực của đất nước Việt Nam. Được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu quanh năm ấm áp, phong phú các loại sản vật nên các món ăn cũng được người phương Nam sáng tạo với sự kết hợp các nguyên liệu rất đa dạng, dồi dào. Đối với hoạt động du lịch, đây chính là nguồn tài sản vô giá, tiềm năng góp phần định vị điểm đến, ghi dấu ấn cho du khách trong và ngoài nước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, ẩm thực luôn được coi là một trong những sản phẩm chiến lược để thu hút du khách. Nhiều năm qua, ẩm thực đường phố là một bộ phận cấu thành hệ thống sản phẩm du lịch quan trọng được thành phố quan tâm gìn giữ và phát huy. Chuyên mục du lịch của Kênh Truyền hình CNN (Mỹ) từng đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh là “kinh đô của ẩm thực Việt Nam”; đồng thời nằm trong top 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

Tiến sỹ Lê Thị Ngọc Điệp, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh với  300 năm lịch sử chính là nơi hội tụ văn hóa ẩm thực đặc sắc của các vùng miền, đặc biệt là các món ăn chơi, ăn vặt hay còn gọi là món ăn đường phố, đóng góp vào bức tranh chung của văn hóa ẩm thực của Thành phố Hồ Chí Minh. Du khách có dịp đến thành phố này khó có thể bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ăn đơn giản nhưng lại có sức thu hút, hấp dẫn bởi sự kết hợp hài hòa, sáng tạo trong từng món ăn giản dị có thể nhắc tới như: Cơm tấm sườn bì, bánh mì Sài Gòn, gỏi cuốn, bò bía, hủ tiếu gõ, phá lấu, bánh canh cua, canh bún, bánh tráng nướng, bánh tráng trộn…

Cùng thuộc khu vực Đông Nam Bộ và giáp Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai lại hấp dẫn du khách bởi các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng dịp cuối tuần cùng nhiều món ăn mang hương vị của nhà vườn miền Đông Nam Bộ từ các loại gỏi trái cây miệt vườn Lái Thiêu (Bình Dương) hay Long Khánh (Đồng Nai) như gỏi gà măng cụt, gỏi bưởi, gỏi xoài cho đến bánh bèo bì, bún tôm, xôi phồng, gà nướng sầu riêng, gà hấp bưởi…

Xuôi về vùng Tây Nam Bộ - nơi có hệ thống kênh rạch chẳng chịt với những vườn cây ăn trái sum suê, nét văn hóa ẩm thực lại được định hình gắn liền với đời sống sông nước vùng đồng bằng châu thổ có khí hậu, phân chia rõ rệt mùa mưa và mùa khô, cho nguồn sản vô cùng phong phú. Theo Nghệ nhân ẩm thực Triệu Thị Chơi, Trưởng Ban Nghệ nhân - Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, ẩm thực Nam Bộ rất đa dạng và phong phú, mỗi món ăn thường được chế biến bởi nhiều loại nguyên liệu với sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo. Nhờ nguồn nguyên liệu dồi dào được kết hợp, vùng đất này có nhiều món ăn chỉ mới nghe tên cũng đủ thấy hấp dẫn, mời gọi du khách như: Cá lóc hấp bầu, cá tra um lá cách, canh chua bông điên điển, lẩu mắm, bánh lọt đậu xanh nước dừa, bánh da lợn đậu xanh, bánh tằm bì, bánh ít khoai mì, bánh ống lá dứa, bánh bò thốt nốt, bánh chuối đập...

Đậm bản sắc văn hóa đất phương Nam

Những món ăn dân dã như bún thịt nướng, chả giò, bánh bột lọc... của Việt Nam luôn cuốn hút du khách nước ngoài. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Những điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù gắn với đời sống lao động, sản xuất của người dân nơi đây ngay từ những ngày đầu đến khai phá vùng đất Nam Bộ đã dần hình thành nên nhiều phong tục tập quán, nét văn hóa ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa của cả vùng cũng như từng địa phương trong khu vực. Các nghệ nhân ẩm thực khi nói về ẩm thực phương Nam thường nhắc tới những từ: đơn giản, đậm đà, đa dạng, mùa nào thức ấy. Dựa vào nguồn nguyên liệu có trong tự nhiên, những món ăn Nam Bộ được giới thiệu đến du khách phần lớn là những món ăn gắn với cuộc sống đời thường của người dân với nguồn nguyên liệu thực vật, động vật có sẵn trong tự nhiên. Những món ăn này mang đến sự hài lòng cho người thưởng thức, nhất là những thực khách muốn từ ẩm thực để tìm hiểu về bản sắc văn hóa, đời sống sinh hoạt, thói quen ăn uống của người dân Nam Bộ.

Theo Nghệ nhân Triệu Thị Chơi, với vùng Tây Nam Bộ, du khách lần đầu được đến thăm và được thưởng thức trong cùng một bữa ăn hàng loạt các loại rau, sẽ thấy khá bất ngờ và thú vị. Mùa nước nổi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều loại rau gắn với sông nước, ruộng đồng đã được người dân chế biến phục vụ bữa ăn hàng ngày một cách rất linh hoạt, phóng khoáng, có thể kể đến bông điên điển, bông súng, bông so đũa, hẹ nước, rau bồn bồn, rau dừa, đọt (ngọn) nhãn lồng, đọt mướp gai, lá xoài, lá cách, cù nèo. Các loại rau này có thể “góp mặt” trong rất nhiều món như lẩu, xào, trộn gỏi… một cách rất đa dạng, thoải mái, phóng khoáng như chính tính cách con người nơi đây.

Anh Lê Minh Tỵ, chủ cơ sở kinh doanh mang tên Điểm dừng chân Du lịch Rạch Gốc - Tư Tỵ ở ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) chia sẻ, nhiều du khách khi về miền Tây Nam Bộ trong đó có vùng đất Cà Mau đã rất ngạc nhiên khi nghe những người dân miền Tây Nam Bộ như anh nói về cách chế biến, giới thiệu cả một “rừng” món ăn được kết hợp một cách rất tự nhiên ở vùng đất này. Ví dụ chỉ nhắc tới các loại mắm, người miền Tây đã có các loại mắm ba khía, mắm còng, mắm tôm chà, mắm cá linh, cá chốt, mắm ruốc, mắm cá đồng, mắm nục và có những món ăn liên quan tới các loại mắm như lẩu mắm cá linh bông lục bình, mắm chưng, mắm kho, thậm chí cả mắm chiên.Vừa qua, nghề muối đặc sản ba khía (một loài giáp xác gần giống như cua đồng nhưng sống ở vùng rừng ngập mặn) ở Ngọc Hiển, Cà Mau đã được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Du khách đến Cà Mau, dừng chân ở thị trấn Rạch Gốc sẽ được trải nghiệm cảnh thức trắng đêm đi soi đèn bắt ba khía và nghe những người làm dịch vụ du lịch như anh Lê Minh Tỵ kể về cách muối ba khía để làm nên những đặc sản ẩm thực rất hấp dẫn như mắm ba khía Cà Mau trộn chua ngọt, mắm ba khía trộn me, mắm ba khía trộn khế chua...

Bài 2:  Khai thác thế mạnh

Thanh Trà

TTXVN