Thu thập thông tin
Trước khi lên đường, hãy dành thời gian đọc sách hướng dẫn và tham khảo các trang web để lên kế hoạch leo núi. Sách hướng dẫn thường mô tả chi tiết tuyến đường và đề cập đến thông tin về độ cao, số ki lô mét, xếp hạng đường đi và địa điểm cắm trại. Để cập nhật thông tin mới về điều kiện hiện tại, đường cấm và lối đi tốt nhất..., bạn nên vào các trang web du lịch uy tín để tham khảo kinh nghiệm của người đi trước.
Ghi chép thông tin
Trước khi leo núi, hãy quan sát kỹ bản đồ, chia nhỏ hành trình và ghi chép thông tin quan trọng như đặc điểm địa hình, địa điểm cắm trại, điểm dừng chân, quãng đường đã đi, độ cao lên/ xuống, thời gian, tọa độ GPS... để xác định quãng đường, định vị thông tin hữu ích cho chuyến đi tiếp theo hoặc phổ biến cho những người đi sau.
Giữ an toàn
Trên đường đi, có thể bạn dừng lại ngắm cảnh, chụp ảnh hay lấy nước uống. Khi đó, cần đề phòng nguy cơ tiềm ẩn như trơn trượt, lở đất đá, nước cuốn, động vật hoặc côn trùng cắn. Khi dừng lại, hãy quan sát thật kỹ địa hình xung quanh, vị trí đứng, điều kiện ánh sáng... để tránh nguy hiểm bất ngờ. Cũng đừng vì những bức ảnh đẹp mà bất chấp nguy hiểm để đứng tại các vị trí không an toàn.
Dò đường đi
Bạn có thể sử dụng gậy dò đường như một giải pháp định hướng hiệu quả. Cây gậy không chỉ giúp bạn tiết kiệm sức lực để leo núi mà còn có thể dò mối nguy hiểm trước mặt như lở đất đá, sụt hố. Ngoài ra, bạn còn có thể dò đường bằng hệ thống GPS, tạo điểm tham chiếu cho các vị trí như đường mòn, khu cắm trại hoặc các điểm chính dọc theo tuyến đường leo núi... Việc này sẽ giúp bạn lưu lại lộ trình, định hướng cho việc đi tiếp hoặc quay lại.
Ngừng di chuyển
Khi thời tiết xấu hoặc lạc đường, bị bỏ lại phía sau, việc bạn cần làm là ngừng di chuyển, đợi thời tiết tốt hơn hoặc chờ bạn đồng hành đến đón. Luôn mang theo bên người thiết bị báo động khẩn cấp như còi, bật lửa, đèn pin để bạn đồng hành có thể định vị và dễ dàng tìm thấy bạn hơn.
Mỹ Hạnh