Thừa Thiên Huế: Nhân rộng mô hình làng văn hóa Phù Bài
Cập nhật: 13/07/2022
Đánh giá lại việc xây dựng làng văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển, đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ dẫn đầu có chuyến khảo sát tại làng Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Sau chuyến khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn mô hình làng văn hóa Phù Bài sẽ được nhân rộng.

Lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý giá

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ thắp hương tại Tôn điện thờ Ngài bổn thổ thành hoàng làng Phù Bài

Với cơ cấu 1 làng 1 xã, làng Phù Bài cũng là xã Thủy Phù. Thông qua hương ước, quy ước của làng, mối quan hệ giữa chính quyền xã với 12 thôn trên địa bàn hết sức mật thiết. Điều này giúp làng Phù Bài thuận lợi trong gìn giữ, phát huy những nét văn hóa, tập quán, phong tục truyền thống đặc sắc, đồng thời là địa phương đầu tiên của TX. Hương Thủy triển khai xây dựng làng văn hóa.

Bên cạnh vẫn tổ chức lễ Thanh minh, Đông chí, Thu tế, giải đua trải truyền thống và mang trên mình nhiều công trình, di tích lịch sử văn hóa, như: đình làng Phù Bài (di tích lịch sử cấp tỉnh), Tôn điện thờ ngài Khai canh, lăng ngài Tùng, ngài Dự, đền Văn Thánh - Võ Thánh, chùa Tiên Phước Tự, hệ thống các nhà thờ 13 họ, tộc, hệ thống nhà rường…, làng Phù Bài còn là một trong số ít địa phương đang lưu giữ 7 sắc phong của các đời vua cùng hơn 20 ngàn trang tư liệu (đã được số hóa) về địa bạ, đinh bạ thời Tây Sơn, Gia Long, các văn bản quản lý hành chính, các văn bản quy định của làng, văn cúng, nghề luyện sắt...

Không chỉ vậy, Phù Bài còn lưu giữ đầy đủ bộ luật Gia Long 22 quyển “Hoàng Việt Luật lệ” phát hành năm Gia Long thứ 12 (1814) và 3 hiện vật có niên đại hàng trăm năm là: thần phủ, lệnh bài và ấn triện của ngài bổn thổ thành hoàng Ngô Phủ Quân.

Ngoài bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, các nét văn hóa truyền thống đặc sắc, Phù Bài cũng là địa phương được đánh giá cao về khuyến học khuyến tài khi phong trào lan tỏa đến từng họ tộc cũng như sự đoàn kết, gắn bó, vì lợi ích cộng đồng thể hiện qua phong trào xây dựng làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới (NTM)…

“Trong tiến trình xây dựng làng văn hóa, xây dựng NTM, làng Phù Bài xuất hiện nhiều gương điển hình hiến hàng ngàn m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn, tiêu biểu là các hộ: ông Huỳnh Sinh, bà Võ Thị Phiếu, ông Lê Tiếp, ông Lê Hương ở thôn 1A; ông Ngô Phiếm ở thôn 1B hay lực lượng đoàn viên thanh niên của xã tự quyên góp xây dựng tuyến điện chiếu sáng ở thôn 10…”, ông Lê Hữu Trí – Chủ tịch UBND xã Thủy Phù thông tin.  

Sợi dây vô hình kết nối từng người

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ (thứ 2, trái sang) trò chuyện với trưởng các họ tộc tại Đình làng Phù Bài

Tại chuyến khảo sát mô hình làng văn hóa Phù Bài (xã Thủy Phù, TX. Hương Thủy) nhằm kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030” ngày 12/7, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá, làng Phù Bài làm rất tốt việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, qua đó góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

“Chuyến khảo sát là cơ sở để Tỉnh ủy đánh giá lại việc xây dựng làng văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, trong đó, sự đóng góp của các họ tộc, các làng là rất quan trọng. Làng văn hóa là cội nguồn sức mạnh trong phát triển, là hồn cốt, là nền tảng để xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa mà chúng ta phải gìn giữ, phát huy”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Bên cạnh mong muốn nhân rộng mô hình của làng Phù Bài trong xu thế hội nhập hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị, Hương Thủy nói chung, làng Phù Bài nói riêng cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò họ tộc trong việc chung tay với chính quyền xây dựng NTM, xây dựng xã Thủy Phù trở thành phường; áp dụng công nghệ, tiếp tục số hóa các tư liệu quý; rà soát, tổ chức những lễ hội truyền thống ngày càng bài bản hơn; củng cố hương ước để duy trì văn hóa làng xã; nhân rộng hơn nữa các phong trào: dòng họ hiếu học, dòng họ không ma túy, ngày Chủ nhật xanh, mai vàng trước ngõ…

“Phù Bài mang trên mình nhiều công trình kiến trúc, quy mô, thiết chế văn hóa, phong tục truyền thống đặc sắc, tiêu biểu cho 1 làng quê Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng. Để tôn vinh, phát huy hơn nữa giá trị những công trình, kiến trúc trên địa bàn, địa phương nên sớm lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với: Tôn điện thờ Ngài khai canh, Ngài Tùng, Ngài Dự, đền Văn Thánh, Võ Thánh… Từ đây đến 2026, ngoài kinh phí của tỉnh, chính quyền các cấp và người dân trong làng cần đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư trùng tu các công trình văn hóa độc đáo trên địa bàn”, ông Phan Ngọc Thọ đề nghị.

“Trong xu thế xã Thủy Phù/làng Phù Bài trở thành phường, bản sắc văn hóa, lối sống, suy nghĩ… của người dân cũng sẽ thay đổi, thay đổi theo hướng tích cực nhưng không loại trừ bị một phần tiêu cực tác động. Để những giá trị truyền thống tốt đẹp không bị mai một, chúng ta cần chủ động chắt lọc cái hay, cái đẹp để phát huy, lan tỏa, để những gì tốt đẹp của làng, của văn hóa làng xã trở thành sợi dây vô hình kết nối từng người”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

 

Báo Thừa Thiên Huế - baothuathienhue.vn - Ngày đăng 13/7/2022