Ở núi, cái lạnh dường như đến sớm hơn. Những ngày chớm đông, tôi thường bồng con ra chái bếp củi sau nhà sưởi ấm và nấu nướng các món ăn đồng quê. Trong đó, kẹo đậu phụng là thức quà khoái khẩu của chị em tôi từ thời còn tấm bé.
Nguyên liệu làm kẹo đậu phụng.
Đậu phụng thu hoạch vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Lúc đó, cả nhà tôi kéo ra đồng Khe Sung nhổ dây gánh về, lặt hái theo phương thức thủ công, rửa sạch. Đậu phụng phơi dài ngày, dưới ánh nắng mạnh, có như vậy vỏ mới trắng, hạt mới giòn, khi ép dầu có màu vàng tươi nhìn rất thích mắt.
Thường, trước khi đem đậu phụng ép dầu, nhà tôi chừa lại một bao để rang muối, làm bánh, đổ kẹo, nấu xôi hay thêm thắt vào các món ăn khác. Đậu sau khi lột vỏ, loại bỏ những hạt không chất lượng.
Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi đổ đậu vào, rang bằng than đượm, đảo đều tay đặng chín đều. Đường bát chặt thành cục nhỏ, cho vào nồi và thêm ít nước sôi để thắng. Khi đường tan ra, vắt nước cốt chanh nhằm tăng độ dẻo, không bị lại đường.
Lúc này, người đầu bếp canh đường thật chuẩn bằng cách lấy đường nhỏ vào chén nước hoặc kéo ra có độ dẻo dai, tức thì cho đậu, mè, gừng hoặc dừa khô vào, khuấy liên tục tầm hai phút, nhấc ra khỏi bếp. Đổ hỗn hợp ra bánh tráng (hay mâm, bẹ chuối) rồi dàn đều.
Như vậy, sản phẩm kẹo đậu phụng hoàn thiện sực nức mùi thơm, phảng phất khắp gian bếp. Khi thưởng thức, sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh của đường, vị cay của gừng quấn quyện cùng vị béo của dừa, của đậu khiến người ăn ngất ngây gật gù. Kẹo dẻo dai, giòn tan hay ra cát phụ thuộc ở khâu thắng đường nên kinh nghiệm của người “thợ đổ” rất quan trọng.
Thú vị nhất ngồi với bạn trong không gian tĩnh lặng, vừa nhâm nhi kẹo đậu vừa uống từng ngụm nước chè xanh.
Thú vị khi thưởng thức kẹo đậu phụng với nước chè xanh.
Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, ngày xưa ông nội tôi chừa ra khoảnh đất lớn trong vườn trồng chè sẻ làm thức uống. Chè sẻ ưa ánh sáng nên đẻ nhánh nhiều, lá nhỏ, giòn rụm, màu vàng nhạt, tán xòe rộng và có khi chúng bằng tuổi tôi bây giờ.
Cứ mỗi độ sớm mai, mẹ tôi ra vườn hái chè để hãm nước. Chè rửa sạch, vò nhẹ, chế nước sôi vào, ngâm tầm một phút rồi gạn đổ, gọi là tráng chè. Sau đó, đổ nước sôi ngập phần chè, đậy nắp kín, thêm vài lát gừng tươi là đã có vị ngon đúng điệu, giữ mùi hương riêng biệt.
Chẳng biết tự bao giờ, tôi nghiện nước chè xanh nên không có loại thức uống nào có thể thay thế được. Người ta nói rằng, uống nước chè xanh có lợi cho cơ thể, làm đẹp làn da, giảm cân giữ dáng, nhất là phụ nữ.
Tôi chẳng biết thực hư thế nào, cả nhà tôi đều uống nước chè xanh vì trân quý nông sản sạch do chính mình làm ra, tiết kiệm chi tiêu. Thưởng thức bát nước chè xanh sóng sánh nóng hổi, nhâm nhi miếng kẹo đậu phụng là sảng khoái, như giũ bỏ nhọc nhằn mỗi ngày.
Thiên Thu