Độc đáo văn hóa ẩm thực Thái Nguyên
Cập nhật: 12/12/2022
Nhằm quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực độc đáo của các vùng miền trên địa bàn tỉnh, vào đầu tháng 12 năm nay, lần đầu tiên Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức hội thi Tinh hoa văn hóa ẩm thực Thái Nguyên. Đôi bàn tay khéo léo của các đầu bếp, nghệ nhân đã chế biến ra nhiều món ăn tinh tế, hấp dẫn thực khách.

Các thành viên đến từ huyện Định Hóa chuẩn bị bánh dày ngũ sắc để tham gia phần thi ẩm thực.

Nhận thấy dòng nước mát lành chảy từ suối Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ), phù hợp với việc nuôi cá tầm, vài năm trở lại đây, một số hộ dân trong xã đã đào ao để nuôi giống cá đặc sản này. Cá tầm cũng được các đầu bếp chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị dinh dưỡng cao.

Anh Nguyễn Cao Đạt, ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng, một trong số thành viên tham gia hội thi Tinh hoa văn hóa ẩm thực Thái Nguyên, cho biết: Với mong muốn quảng bá sản phẩm đặc trưng của quê hương, chúng tôi đã tham gia dự thi món cá tầm nướng, cháo cá tầm đậu xanh. Để cá không bị khô, chúng tôi tẩm ướp gia vị trước khi nướng 15 phút và nướng đến khi cá vừa chín tới, dậy mùi thơm lừng, thịt cá vàng ươm. Khi ăn thử một miếng, thực khách sẽ cảm nhận được thịt cá mềm ngọt, đậm đà bởi các loại gia vị được kết hợp khéo léo, vừa phải. Thực khách có thể chấm tương ớt hoặc ăn cuốn cùng rau sống đều rất ngon. Ngoài ra, cháo cá tầm đậu xanh cũng là món ăn cung cấp đầy đủ năng lượng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nếu như cá tầm là món ăn đặc sản của bà con xã La Bằng thì trám đen lại được biết đến là một món ăn bình dị nhưng cũng rất hấp dẫn của người dân xã Hà Châu (Phú Bình).

Trám đen được bà con nơi đây chế biến thành nhiều món ăn như: Nham trám, trám muối, trám nhồi thịt… Trong đó, nham trám đã trở thành món ăn đặc sản nức tiếng của vùng đất Hà Châu.

Được làm từ hơn 10 nguyên liệu khác nhau, nham trám khi ăn sẽ có vị bùi, ngậy của trám, lạc, vừng, vị ngọt thơm của thịt ba chỉ, cá, cùi dừa, lá gừng, củ chuối và vị chát của lá nhội chấm với tương. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị riêng cuốn hút thực khách.

Ngoài nham trám, nem bùi cũng được biết đến là một món ăn bình dị của người dân Phú Bình được nhiều khách hàng lựa chọn. Hai thành phần chính của món ăn là thịt lợn và thính rang xay mịn. Nhưng, sự hấp dẫn của món ăn nằm ở chỗ kết hợp tài tình với các loại gia vị đặc thù cùng cách chế biến riêng biệt, tạo nên hương vị độc đáo khó cưỡng.

Đến với hội thi Tinh hoa ẩm thực Thái Nguyên lần này, đầu bếp của Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc Thái Hải, xã Thịnh Đức (TP. Thái Nguyên), đã khiến thực khách ấn tưởng bởi 2 món ăn là cá chép om bỗng rượu và đậu chiên bột trà xanh.

Cá chép om bỗng rượu là món ăn thanh mát, cá không còn vị tanh nhưng vẫn giữ nguyên được vị béo, ngọt tự nhiên. Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được vị chua của bỗng rượu, cà chua, vị cay của tiêu, ớt và vị thơm của bỗng, rau thì là, hành. Còn món đậu chiên bột trà xanh được kết hợp từ chính những lá trà xanh Thái Nguyên, tạo nên hương vị thơm ngon, béo ngậy và giòn rụm khi thưởng thức.  

Với đồng bào dân tộc Tày ở huyện Định Hóa thì xôi, bánh chưng, bánh giầy là món ăn không thể thiếu trong các dịp lễ, tết. Điểm độc đáo là bà con đã sử dụng các loại cây trong vườn nhà để tạo nên xôi ngũ xắc, bánh dày ngũ sắc, không chỉ ngon mà rất đẹp mắt và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Năm màu được ghép trên một mâm xôi, mâm bánh tượng trưng cho thuyết Âm dương ngũ hành, đồng thời thể hiện lòng kính yêu cha mẹ; tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa và cũng là tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành.

Chính vì vậy, mâm xôi ngũ sắc được làm ra là sự hội tụ tinh hoa của đất trời và thể hiện mong ước cho cuộc sống yên bình, no đủ của người dân.

Ngoài ra, bánh giầy giã tay cũng là thứ bánh độc đáo của nhiều địa phương trong tỉnh. Để làm ra được một chiếc bánh giầy, người làm phải chuẩn bị kỹ lưỡng các công đoạn, từ ngâm gạo; chọn chày, làm nhân bánh… Bánh giầy chỉ làm và thưởng thức ngay trong ngày, không thể dùng lại nguyên liệu cho ngày hôm sau.

Mâm xôi ngũ sắc của đội thi đến từ Khu du lịch sinh thái Nhà Tôi, xã Sơn Cẩm (TP. Thái Nguyên).

9 huyện, thành phố trong tỉnh đã mang đến hội thi Tinh hoa văn hóa ẩm thực Thái Nguyên những món ăn đặc trưng của từng địa phương. Tại Hội thi lần này, có trên 30 món ăn được các nghệ nhân, đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh tham gia chế biến. Trong đó có nhiều món ăn bình dị nhưng hấp dẫn thực khách, như: Tôm cuốn Thù Lâm, miến tỏi đen Trường Thọ, bánh lá ngải, cơm lam…

Nhìn chung, các món ăn đều được Ban Giám khảo đánh giá cao về chất lượng, tinh tế, cách bày trí đẹp mắt, cuốn hút thực khách.

Nói về mục đích, ý nghĩa của Hội thi, ông Nguyễn Công Dũng, cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức Hội thi nấu ăn quy mô cấp tỉnh. Thông qua Hội thi, chúng tôi muốn giới thiệu, quảng bá ẩm thực độc đáo của các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh; hướng tới hình thành, liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc gắn với phát triển sản phẩm OCOP, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái trong xây dựng nông thôn mới.

Lương Hạnh

Báo Thái Nguyên - baothainguyen.vn - Đăng ngày 11/12/2022