Trong chuyến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa giữa hai Sở VHTT TP Hồ Chí Minh và Bình Định, diễn ra tại TP Quy Nhơn mới đây, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh, đã trả lời phỏng vấn Báo Bình Định về sự kết nối, hợp tác lâu dài giữa ngành văn hóa hai địa phương để cùng chung tay bảo tồn di sản văn hóa, hướng tới phát triển du lịch văn hóa.
* Qua chuyến công tác lần này, ngành VHTT TP Hồ Chí Minh sẽ có kế hoạch hợp tác như thế nào, thưa bà?
- Chuyến công tác đến Bình Định lần này là một trong những hoạt động trọng tâm đã được chúng tôi lên kế hoạch từ năm 2021. Đây được xem là một hoạt động về nguồn của nghệ thuật hát bội (tuồng) TP Hồ Chí Minh đến với cái nôi của nghệ thuật tuồng là Bình Định, nhằm giúp các nhà quản lý, nghệ sĩ của chúng tôi cảm nhận được giá trị văn hóa, lịch sử rất riêng của Bình Định, nhất là nghệ thuật tuồng, để chúng ta cùng nhau bảo tồn, phát triển hơn nữa giá trị nghệ thuật truyền thống.
Đến với quê hương Bình Định, thông qua các hoạt động giao lưu, nghiên cứu, biểu diễn tìm hướng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, chúng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Bình Định để xây dựng kế hoạch hợp tác dài hơi trong thời gian tới, đặc biệt đi sâu vào kế hoạch hợp tác bảo tồn nghệ thuật truyền thống, cũng như các giá trị di sản văn hóa khác; đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, cũng như phát huy giá trị di sản văn hóa của hai địa phương hướng tới phát triển du lịch văn hóa.
NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP Hồ Chí Minh (bìa trái) trong chuyến công tác tại Bình Định mới đây. Ảnh: Ngọc Nhuận
* Bà cảm nhận như thế nào về việc khai thác giá trị di sản văn hóa ở Bình Định?
- Chúng tôi được trải nghiệm, tham quan nhiều địa điểm, di tích văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Bình Định, như: Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Bảo tàng Quang Trung, Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn…, qua đó chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm của tỉnh Bình Định trong sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể phục vụ du lịch.
Chúng tôi cảm nhận rằng tỉnh Bình Định quan tâm đầu tư cho ngành văn hóa một cách nghiêm túc, trân trọng các giá trị di sản văn hóa và khai thác du lịch từ các di sản văn hóa rất hiệu quả.
* Theo bà, để hợp tác hướng tới phát triển du lịch văn hóa, hai địa phương nên làm những gì?
- Để khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn kết phát triển du lịch xứng tầm như chúng ta mong muốn khi đầu tư cho văn hóa thì tôi nghĩ Bình Định cũng như TP Hồ Chí Minh còn nhiều việc phải làm.
Không chỉ Bình Định, mà TP Hồ Chí Minh chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nhân lực trong quản lý di tích, đội ngũ thuyết minh viên, việc tổ chức dịch vụ tại các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa để thu hút du khách… Những yếu tố này, chúng ta phải tính toán đưa ra kế hoạch, giải pháp lâu dài để phát huy tiềm năng, giá trị di sản văn hóa phục vụ du lịch.
Chúng ta phải xem du lịch văn hóa là một sản phẩm đặc biệt để khai thác trong nền kinh tế thị trường, chẳng hạn muốn kết nối với các DN trong việc liên kết phát triển tour du lịch văn hóa mang lại hiệu quả lâu dài thì phải đảm bảo lợi ích giữa đôi bên, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu du khách.
Thời gian qua, chúng tôi cũng đã có những cách làm xã hội hóa trong phát triển du lịch văn hóa trên lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật truyền thống, đó là tăng tính tự chủ cho các đơn vị công lập. Như vậy, các đơn vị công lập sẽ tự đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ theo nhu cầu của du khách, chứ không chỉ đưa những cái chúng ta có sẵn để phục vụ du khách. Đây cũng là kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ với ngành văn hóa tỉnh Bình Định trong những kế hoạch hợp tác trong tương lai…
* Xin cảm ơn bà!
Đoàn Ngọc Nhuận (Thực hiện)