Mặc dù đã có những hoạt động kiểm kê, bảo vệ, vinh danh, nhưng nhiều di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập và giao thoa, tiếp biến văn hóa, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể ở Nghệ An.
Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh cho biết: Đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện kiểm kê được 463 di sản với đầy đủ bảy loại hình di sản văn hóa phi vật thể giàu bản sắc, có độ phân bố rộng khắp và có giá trị lịch sử-văn hóa tiểu biểu cho sáu dân tộc Kinh, Thái, Thổ, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu ở Nghệ An.
Trong đó, có bảy di sản đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đặc biệt, di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hiện nay, một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã trở thành một trong những tài nguyên kinh tế, du lịch quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân và địa phương như kết nối di sản văn hóa phi vật thể trong các tour du lịch cộng đồng, đưa di sản văn hóa phi vật thể trở thành sản phẩm hàng hóa, xuất khẩu ra thị trường trong nước và quốc tế như các sản phẩm nghề thủ công truyền thống.
Lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai là một trong những lễ hội lớn ở Nghệ An.
Mặc dù đã có những hoạt động kiểm kê, bảo vệ, vinh danh, nhưng nhiều di sản văn hóa phi vật thể vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình hiện đại hóa, xu thế hội nhập và giao thoa, tiếp biến văn hóa; sự quan tâm của thế hệ trẻ với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc giảm dần, những người am hiểu, nắm giữ tri thức về di sản văn hóa phi vật thể ngày càng ít.
Việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương một cách bền vững, đồng bộ, có chiến lược dài hạn còn hạn chế, dẫn đến một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể bị quên lãng, làm sai lệch, thay đổi không gian vốn có của nó. Các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc ít người đang ngày càng mờ nhạt, bị suy giảm hoặc biến mất vĩnh viễn.
Lễ hội đền Quả Sơn ở xã Bồi Sơn (Đô Lương) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trước thực trạng cấp bách này, để tiếp tục có các giải pháp căn cơ, lâu dài trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Nghệ An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long yêu cầu: Các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh cùng ngành văn hóa và thể thao và toàn thể nhân dân cần làm tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; quản lý tốt các hoạt động lễ hội, phong tục, tập quán, tri thức, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, nhất là ví, giặm Nghệ Tĩnh và các di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; chú trọng tôn vinh và tạo điều kiện cho nghệ nhân bảo lưu, thực hành, truyền dạy di sản.
Ngành văn hóa và thể thao tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa, làm cho văn hóa xứ Nghệ thêm lan tỏa, mở rộng hội nhập trong nước và quốc tế.
Thành Châu