Phú Thọ - mảnh đất phát tích, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi lưu giữ kho tàng di sản văn hoá vô giá, niềm tự hào, tinh hoa của người dân Đất Tổ. Những năm qua, thiết thực chung tay góp sức gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá, nhiều hoạt động, chương trình giáo dục di sản trong và ngoài trường học đã được các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh quan tâm, triển khai với nhiều hình thức hiệu quả, giúp thế hệ trẻ tiếp thu kiến thức về di sản văn hoá từ sớm, tạo môi trường hình thành lớp người kế cận đóng góp vào quá trình gìn giữ, lan toả giá trị văn hoá dân tộc...
Học sinh Trường THPT Phong Châu tham quan Bảo tàng Hùng Vương thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Tạo môi trường tích cực
Năm 2012, sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Sở Giáo Dục và Đào tạo đã xây dựng nhiều kế hoạch, đề án triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trong học đường. Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành các đề án, kế hoạch về triển khai công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hóa; tuyên truyền thực hiện Đề án gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; triển khai mô hình “Trường học gắn với cuộc sống” trong các trường phổ thông; tổ chức các lớp truyền dạy hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc trong các cơ sở giáo dục…
Căn cứ theo văn bản hiện hành, các trường học trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều nội dung liên quan đến giáo dục về di sản văn hoá tích hợp trong các chương trình chính thức và ngoại khóa của trường. Giáo viên các bộ môn tiếng Việt/Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc đã chủ động tổ chức biên soạn tài liệu giảng dạy, lồng ghép những nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, du lịch; kiến thức khoa học về môi trường, bảo vệ di sản... trong các tiết học. Đồng thời trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết về bảo vệ di sản, sưu tầm tranh ảnh, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu về các di sản văn hoá, phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hoạt động tham quan thực tế, các cuộc thi tìm hiểu về di sản như: Thuyết trình Tiếng Anh, sáng tác thơ ca, thực hành hướng dẫn viên du lịch,… cùng hàng trăm buổi nói chuyện cung cấp kiến thức về di sản văn hoá và tầm quan trọng của di sản trong tâm thức dân tộc Việt, từ đó khơi gợi tình yêu, niềm tự hào di sản văn hoá của địa phương trong học sinh.
Là một trong ba trường được Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thí điểm mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, năm học 2017-2018, Trường THPT Phong Châu (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) đã xây dựng kế hoạch, triển khai mô hình “Trường học gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Sau năm năm thực hiện, mô hình góp phần đổi mới, làm phong phú thêm phương pháp dạy học, hoạt động phong trào trong nhà trường. Em Nguyễn Đức Phương - học sinh lớp 12A1 chia sẻ: “Thời gian qua, em đã được tham gia trải nghiệm rất nhiều hoạt động ngoại khoá, cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, văn hoá dân tộc, hội thi “Em tập làm hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Đền Hùng”... Em thấy đây là hoạt động rất thiết thực và bổ ích, giúp chúng em có những trải nghiệm trực quan sinh động, khơi dậy hứng thú học tập; bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước và tấm lòng biết ơn công đức các bậc tiền nhân”.
Các chương trình du lịch học đường trên địa bàn đã được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn kết nối với các điểm di tích văn hoá hoặc phối hợp với doanh nghiệp lữ hành tổ chức tour thăm quan phù hợp với chương trình học và khả năng tiếp nhận của học sinh. Đặc biệt, tháng 9 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng “trình làng” tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội”. Tour du lịch gồm các hoạt động như: Tham quan Bảo tàng Hùng Vương; dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng; thưởng thức show diễn nghệ thuật “Hùng Vương truyện cổ” hoặc xem chương trình múa rối nước; tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn… đã tạo không gian văn hóa thích hợp giúp các em tiếp thu kiến thức lịch sử, văn hoá một cách sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ hơn.
Học sinh tham quan đình cổ, trải nghiệm trình diễn Hát Xoan tại điểm sinh hoạt cộng đồng Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì.
Lan tỏa tình yêu di sản
Từ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương, chương trình giáo dục di sản học đường đã cho thấy đây là cách làm hay, tạo “cầu nối”, môi trường tích cực để lan toả tình yêu di sản. Vai trò chủ thể là học sinh - thế hệ kế cận gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hoá được phát huy cao độ. Hiện 100% trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nội dung giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong trường học; 47 trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”; 258 giáo viên dạy nhạc trong các trường tiểu học và THCS tham gia lớp truyền dạy kỹ năng cơ bản về nghệ thuật trình diễn Hát Xoan do Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tổ chức trong giai đoạn 2020-2022.
Mới đây, trong buổi tổng kết lớp “Tập huấn bồi dưỡng cho các học viên có năng khiếu về hát Xoan để trở thành nghệ nhân kế cận”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch chia sẻ: “Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào lớp thế hệ tiếp nối kế tục, gìn giữ và phát huy giá trị Di sản Hát Xoan. Bởi lẽ, những năm gần đây hoạt động truyền dạy Hát Xoan được lan toả rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực tại các địa phương, đặc biệt là trong hoạt động phong trào của nhà trường. Tại các lớp truyền dạy Hát Xoan trong cộng đồng hàng năm mà tôi tham gia giảng dạy, có tới hơn 80% học viên nằm trong độ tuổi từ 7 đến 18. Ngoài việc chủ động tham gia lớp truyền dạy Hát Xoan, nhiều cháu nhỏ còn tích cực tham gia các cuộc thi, chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian. Mặc dù kỹ thuật hát và trình diễn Hát Xoan có đôi phần phức tạp nhưng các cháu tiếp thu rất nhanh, thành thục nhiều điệu Xoan cổ trong thời gian ngắn. Nhiều cháu nhỏ trưởng thành từ lớp truyền dạy, trở thành hạt nhân - thành viên tích cực trong Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ tại các địa phương”.
Phú Thọ hiện có hai di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ, 324 di tích được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương; 30 di tích liên quan Hát Xoan; năm Bảo vật Quốc gia...; nơi cư trú của 50 dân tộc anh em, trong đó đồng bào DTTS có gần 250.000 người (chiếm trên 17% dân số toàn tỉnh) sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh với nền văn hoá đa sắc…
Mục đích cốt lõi của việc giáo dục di sản, văn hoá trong thế hệ trẻ là để các em hiểu biết, tự hào về vùng đất mình sinh ra và lớn lên bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử, từ đó hình thành lớp người kế tục đóng góp và phát huy giá trị di sản văn hoá. Muốn làm được điều đó, cần có sự chung sức của cả cộng đồng. Thực tế cho thấy, những năm qua, nhiều địa phương đã nỗ lực quan tâm, xây dựng môi trường giáo dục di sản văn hoá, tạo sức lan toả, tình yêu “báu vật” quê hương, cội nguồn thế hệ trẻ như: Lớp truyền dạy tìm hiểu kiến thức về chữ Nôm Dao tại xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập; Câu lạc bộ cồng chiêng, hát Ví, hát Rang tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn; Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Mường xã Tu Vũ, huyện Thanh Thuỷ… hàng năm vẫn duy trì các buổi sinh hoạt trao truyền bản sắc văn hoá trong thế hệ trẻ để tạo nguồn nghệ nhân kế cận gìn giữ bản sắc quê hương. Vai trò nghệ nhân cao tuổi được phát huy, tình yêu, niềm tự hào di sản dân tộc được “thắp lửa”, lan toả trong thế hệ trẻ.
Đồng chí Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về di sản văn hóa tại các nhà trường; xây dựng thêm nhiều mô hình trường học gắn với di sản; triển khai giáo dục về di sản văn hóa phi vật thể lồng ghép trong các chương trình chính thức và ngoại khóa trong trường học, tích hợp trong nội dung dạy học giáo dục địa phương, mô hình “giờ học lịch sử”…; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp truyền dạy Hát Xoan cho giáo viên âm nhạc tại các nhà trường; chỉ đạo các trường học thực hiện giáo dục ngoài nhà trường hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục môn học/hoạt động giáo dục theo quy định của Bộ GDĐT, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương, để mang lại cho học sinh môi trường thực học - thực nghiệm sinh động, sáng tạo, bổ ích, khơi dậy tình yêu di sản văn hoá trên quê hương hiệu quả”.
Mai Bích