Ở đồng bằng sông Cửu Long, khi nước lũ vừa rút là đến mùa cải trời mà nếu như ta bỏ qua thì phải đến mùa gió chướng năm sau (tháng 11 âm lịch) mới được thưởng thức! Theo dân gian, cải trời là loại rau hoang dã “trời cho” dân nghèo, chỉ xuất hiện chừng hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Cải trời còn tên gọi khác như cải ma, kim đầu tuyến hay cỏ hôi… thuộc họ cúc. Nhánh và lá có lông hơi dính, mùi thơm nồng nhẹ. Lá cải trời hình giọt nước, mọc so le, mép khía răng, hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài. Cải trời thường mọc ở những gò hoang, rẻo đất cao hay mé mương, bờ ruộng, từ ngoài vườn đến mé hiên nhà. Những hạt cải già có lông tơ, khi khô bay la đà, phát tán khắp nơi. Cải trời không ai trồng, không ai chăm sóc nhưng mọc, phát triển rất mạnh, dân miệt vườn ruộng hái làm rau ăn thỏa thích!
Về quê hít thở không khí trong lành, chiều đến, xách rổ ra vườn, đi dài theo mương, qua những cây cầu tre nhỏ, vừa thư giãn, vừa hái cải trời về luộc hoặc ăn sống, nấu canh thì không gì bằng!
Người ta thường ăn cải trời kèm với mắm sống, mắm kho, hoặc chấm với cá hay thịt kho rất ngon. Rau cải trời còn được nấu canh với cua, tép hoặc với cá rô, cá trê, cá lóc... Hoặc ta có thể nấu canh cải trời với thịt nạc bằm, xay cũng rất ngon, ngọt.
Canh cải trời nấu với chả cá thác lác
Một đặc sản khác ở miền Tây có khá nhiều, cùng lúc với mùa rau cải trời xuất hiện sau mùa nước lũ - ấy lá cá thác lác. Thịt cá thác lác dẻo, dai, khi chế biến thường được nạo ra, quết nhuyễn thêm gia vị, có hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Người ta có thể làm sạch cá rồi băm nhuyễn cả thịt lẫn xương, chế biến thức ăn rất tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và sau khi sinh, người mới ốm dậy, người cao tuổi gầy yếu…
Canh cải trời nấu với chả cá thác lác là một món ngon độc đáo, mà lại đơn giản, dễ làm. Ta bắc nồi nước lên bếp, dằn ít muối. Nước sôi bùng cho rau cải trời đã rửa sạch, cắt khúc hoặc để nguyên tùy thích. Tiếp theo cho chả cá đã qua chế biến, vò viên nhỏ như viên xíu mại vào nồi canh. Chừng mười phút sau, thịt cá chín, dẻ, sẫm màu, bốc mùi thơm lừng ngây ngất, lúc này ta bắc nồi canh xuống, nêm thêm ít tiêu xay, nước mắm ngon và một nạm hành lá xắt hột lựu vào. Múc canh ra tô, thế là bạn đã có một món đặc sản “dân dã mà ngon” không chê vào đâu được! Chả cá thác lác thơm, ngon, dai dai, dẻ dặt bùi miệng; rau cải trời mềm rục…
Ngoài ra, cải trời còn thường được nấu canh kèm cua đồng đâm giã lấy nước cốt với các loại rau như rau ngót, mồng tơi, rau diệu, rau trai, môn đúm. Các món ăn dân dã có rau cải trời bao giờ cũng ngon và gợi nhớ về ít nhiều về những hoài niệm thời thơ ấu!
Hoàng Thám