Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long
Cập nhật: 14/04/2023
Nhân dịp Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp diễn ra tại Hà Nội, chiều 13/4, Tọa đàm khoa học "Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long" đã được tổ chức với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: VGP

Phát biểu Khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích khảo cổ học trong sự phát triển không ngừng của đô thị, trước sự tàn phá của thời gian, môi trường và khí hậu vẫn luôn là câu hỏi lớn với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và công chúng. Câu hỏi về sự tồn tại của các di tích khảo cổ học cùng với hàng triệu "hiện vật vô giá" tồn tại hàng thế kỷ trong lòng đất đã, đang và sẽ tồn tại như thế nào trong bối cảnh hôm nay luôn nóng hổi, mang tính thời sự và gây nhiều tranh luận bởi trên thực tế bảo tồn phát huy giá trị di sản khảo cổ học vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.

Trong khuôn khổ Hoạt động 3 của Dự án "Hỗ trợ và tư vấn về phát huy giá trị Khu khảo cổ Hoàng Diệu", Tọa đàm khoa học "Phát huy giá trị không gian khu khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long" được tổ chức nhằm tập hợp các nhân tố có liên quan tới di tích và đưa ra những phản ánh kịp thời, từ đó có quyết định chính xác dựa trên sự tôn trọng các giá trị mà UNESCO đặt ra, phù hợp với các yêu cầu của di tích, cũng nhưng khả năng hành động của chính quyền địa phương; sẽ cho phép xác định rõ các nhu cầu cấp thiết và thúc đẩy công tác triển khai phát huy giá trị khu Khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long.

Những kết quả của tọa đàm sẽ là cơ sở khoa học để Hoàng thành Thăng Long đưa ra các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học phục vụ khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc; đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình phát huy giá trị di sản khảo cổ học.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, tọa đàm ngày hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng để trao đổi kinh nghiệm của hai bên, giữa những người làm công tác quản lý, nghiên cứu khai quật và bảo tồn di sản khảo cổ học trong nước và quốc tế, từ đó thảo luận nhằm nêu lên định hướng cho công tác phát huy giá trị các di sản khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và Toulouse.

Theo ông Tống Trung Tín, phía Pháp có kinh nghiệm trong việc tiếp cận các nghiên cứu bài bản, trong đó quan tâm đến bảo vệ các di tích, di vật khảo cổ. Tại tọa đàm hôm nay, điều mà ông ấn tượng là chia sẻ của ông Pierre Pisani - Giám đốc di sản tại Toulouse qua phần giới thiệu một khu di tích đã trải qua quá trình chuyển đổi để nâng cao giá trị di sản. Đó là một di tích nhỏ sau khi được khai quật đã được làm thành bảo tàng tại chỗ, phục dựng lại không gian để mọi người có thể được thăm quan mà vẫn giữ nguyên được hiện trạng khai quật. Điều này rất gần với mục tiêu của Hoàng Thành Thăng Long để có thể làm sao vừa giữ gìn di sản, vừa làm cho di sản trở nên gần gũi hơn với mọi người và hiểu được giá trị của di sản.

Năm 1996, hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Toulouse với cam kết bảo tồn và phát huy giá trị di sản phong phú trong khu nội đô lịch sử của Hà Nội với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Hợp tác châu Âu (Cộng hòa Pháp) trong khuôn khổ hợp tác cấp địa phương cùng với nhiều đối tác công như trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse. Sau quá trình trao đổi kinh nghiệm về các kỹ thuật bảo tồn di sản, nhiều dự án trùng tu nhà ở đô thị truyền thống đã được thực hiện.

Từ năm 2016, mối quan hệ đối tác mới giữa Hà Nội và Toulouse đã tập trung cho Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, di sản ngàn năm tuổi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đây là địa điểm vô cùng thuận lợi để triển khai hợp tác về quản lý di sản khảo cổ học đối với cả di tích kiến trúc và hiện vật cũng như phương pháp tiếp cận bảo tàng học.

Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, năm 2020, Dự án về hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đô thị tiêu biểu và di tích khảo cổ học tại Di sản Thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được triển khai. Dự án tập trung các mục tiêu là tăng cường các công cụ quản lý tổng thể Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO xếp hạng là Di sản văn hóa Thế giới; nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long; hỗ trợ chiến lược phát triển bền vững cho khu di sản trên tinh thần tôn trọng các tiêu chuẩn và giá trị của UNESCO; quảng bá năng lực chuyên môn của Thành phố Toulouse trong lĩnh vực "quản lý di sản".

Trong khuôn khổ Dự án hợp tác Hà Nội - Toulouse, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với thành phố Toulouse, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tổ chức các hoạt động tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là hoạt động thiết thực chào mừng Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12. Cùng với Tọa đàm khoa học, Trưng bày "Từ lòng đất đến bảo tàng: Hành trình của hiện vật" cũng đã được tổ chức chiều cùng ngày.

Những kết quả của tọa đàm sẽ là cơ sở khoa học để Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đưa ra các phương án bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học phục vụ khôi phục và tái hiện các di sản kiến trúc; đặc biệt bổ sung tư liệu và tham vấn các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ trong quá trình phát huy giá trị di sản khảo cổ học.

Minh Anh

Cổng TTĐT Chính phủ - thanglong.chinhphu.vn - Đăng ngày 13/04/2023