Thách thức bảo tồn tấm bia đá cổ bí ẩn ở Gia Lai
Cập nhật: 18/07/2023
Ở Tây Nguyên, bia Tư Lương là bia đá cổ duy nhất có ký tự Chăm cổ, và đây là hiện vật rất quý mang tính độc bản, minh chứng về sự xuất hiện của đế chế Champa trên cao nguyên, hiện vẫn còn nhiều điều bí ẩn cần được giải mã.

GS.TS Arlo Griffiths và cô Khom Sreymom nghiên cứu những ký tự trên bia đá Tư Lương

Tuy nhiên, do cách thức bảo tồn, quản lý chưa đúng quy cách của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, bia đá cổ này đang đối diện với nguy cơ bị xuống cấp khá nghiêm trọng.

Hành trình tìm lời giải

Từ khi bia đá được phát hiện cho đến khi “bật mí” thành công đã trải qua nhiều thời gian, và ThS Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL Gia Lai) là người đã kiên trì liên hệ, kết nối với nhiều chuyên gia để tìm lời giải.

Trao đổi phóng viên Văn Hóa, ông Tuệ cho biết, đầu tháng 6.2010, ông nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp ở huyện Đắk Pơ báo: “Người dân địa phương phát hiện ở thôn Tư Lương có một tảng đá có nhiều chữ cổ, không biết là của dân tộc nào”. Vài ngày sau ông cùng đồng nghiệp và bà con trong thôn ra hiện trường. Đó là một bụi cây gai rậm rạp nằm giữa cánh đồng mía, phải tiến hành phát quang thì tấm đá mới hiện ra. “Minh văn khắc trên bia Tư Lương là chữ Chăm cổ, chất liệu đá sa thạch, cao khoảng 1,7m (chỉ tính phần nhô lên khỏi mặt đất); chiều ngang chỗ lớn nhất khoảng 1,5m; mặt trước có khắc 8 dòng chữ Chăm cổ, mặt sau khắc 3 dòng”, ông Tuệ nói. Ngay sau khi tiếp cận, ông đã chụp ảnh bia đá cổ gửi một số người có chuyên môn về lĩnh vực này, gồm cả trí thức người Chăm. Tất cả đều thừa nhận đây là ký tự Champa nhưng niên đại và nội dung của văn bia thì chưa thể biết. “Ban đầu, tôi nghĩ đơn giản người Chăm phải biết chữ Chăm, nhất là các nhà nghiên cứu gốc Champa. Nhưng sau thì tôi hiểu, việc giải mã những ký tự này không dễ dàng như vậy”, ông Tuệ chia sẻ.

Ông cho biết thêm, từ khi phát hiện đến năm 2018, trong khoảng thời gian đó bản thân đã dẫn rất nhiều nhà nghiên cứu đến bia Tư Lương. Ông Tuệ kể, trong số những chuyên gia tìm đến bia đá Tư Lương, người buồn nhất có lẽ là PGS.TS Thành Phần ở Trường Đại học Quốc gia TP.HCM. Ông tiếc đã không thể đọc được những dòng chữ của chính tổ tiên mình. Cũng năm 2018, ông Tuệ dẫn GS.TS Andrew Hardy, Trưởng Văn phòng đại diện của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đến thăm bia Tư Lương. Sau đó, ông Tuệ kết nối với GS.TS Arlo Griffiths (người mà Trưởng Văn phòng đại diện Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội giới thiệu). GS.TS Arlo Griffiths cùng cô Khom Sreymom, chuyên gia về kỹ thuật bia của Bảo tàng Hoàng gia Campuchia đã đến Gia Lai và trực tiếp xuống hiện trường nơi phát hiện bia đá.

 Bia đá cổ Tư Lương khi mới phát hiện vào năm 2010

“Tôi không dám kỳ vọng vào bất cứ điều gì, vì sợ rằng kết quả sẽ không được như mong đợi. Tuy nhiên, chỉ đến đầu giờ chiều ngày hôm đó, GS Arlo Griffiths đã cho tôi biết những thông tin đầu tiên về bia ký này. Tôi thật sự ngạc nhiên về khả năng đọc bia của vị GS trẻ tuổi”, ông Tuệ nhớ lại. Mất gần một năm, GS.TS Arlo Griffiths và cộng sự mới hoàn chỉnh nội dung trên bia đá cổ Tư Lương. “GS.TS Arlo Griffiths gửi bản dịch tiếng Anh và tôi mất một tháng để dịch sang tiếng Việt. Để dịch ra bản hoàn chỉnh, tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia, và đến nay bản dịch này vẫn được giữ nguyên và được giới khoa học dùng để nghiên cứu”, ông Tuệ cho hay. Theo đó, bia đá cổ Tư Lương được xác định có niên đại năm 1438 (thuộc thế kỷ XV, niên đại Saka, dưới thời vua Yura Bhadravarman De va). Qua gần 600 năm tồn tại, có ký tự bị phai mờ nên bản dịch không toàn vẹn, chỉ có khoảng 80% nội dung được dịch. Nội dung bia có đoạn: “Ngợi ca! Đã từng có một chúa tể tối cao của các vị vua, con trai hoàng thượng Jayasinhavarma thuộc dòng dõi Vrsu, quý tộc của thành phố hoàng gia Nauk Glaun Vijaya… Vào (năm) ba mươi hai, ông được tôn phong là Indravarman, cai quản nhiều lãnh địa khác nhau”. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định xếp hạng bia đá cổ Tư Lương là di tích cấp tỉnh.

Cần có phương án bảo tồn “khẩn cấp”

Những tưởng đây sẽ là tư liệu quý, được đưa vào diện cần bảo vệ “khẩn cấp” để bảo tồn, phát huy giá trị, nhưng hiện nay di tích này đang gặp rất nhiều thách thức.

Theo tìm hiểu, để bảo vệ bia đá cổ Tư Lương, năm 2017, UBND huyện Đắk Pơ đã vận động người dân hiến đất, xây tường, giăng lưới B40 bao quanh diện tích 255m2 và làm mái che bằng tôn, thảm nền bê tông quanh bia đá. Đó là những “nỗ lực” mà huyện Đắk Pơ đã làm để bảo vệ di tích này. Theo ghi nhận của phóng viên, con đường nhỏ hẹp dẫn đến di tích vẫn còn nhiều đoạn lầy lội và ngập nước. Nhà che bia đá cổ Tư Lương được làm từ 4 cột sắt ống, 2 kèo sắt hộp, trên lợp mái tôn. Toàn bộ khuôn viên di tích được bao bọc bởi một bờ tường cao 40 cm, phía trên là hàng rào lưới B40 cao 1,2m, giăng ngang qua các trụ bê tông và một cửa sắt cao 1,9m, rộng hơn 3m. Nền được lát xi măng cốt đá, bao quanh và phủ lên chân bia. Bên cạnh bia đã được gắn mã QR để người dân và du khách có thể truy cập thông tin, hình ảnh liên quan di tích. Hiện trên bia đá cổ xuất hiện những vết nứt nhỏ như chân chim, những dòng chữ được khắc trên bia cũng đã mờ.

 Cần sớm có phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích bia đá cổ Tư Lương trước khi quá muộn

ThS Nguyễn Quang Tuệ cho biết, ở Tây Nguyên, bia Tư Lương là bia đá duy nhất có ký tự Chăm cổ được dịch thành công ra tiếng Anh và tiếng Việt. Đây là hiện vật rất quý và độc bản, minh chứng về sự xuất hiện của đế chế Champa trên cao nguyên và mối quan hệ với quốc gia Đại Việt, ít nhất đến cuối thế kỷ XV. Khi được hỏi về những vết nứt xuất hiện trên bia và những dòng chữ trên bia cổ đang mờ dần, ông Tuệ xác nhận đúng là có sự việc đó và ông cũng đã trao đổi với các chuyên gia về nguyên nhân của tình trạng trên. “Theo TS Bertrand Porte, chuyên gia bảo tồn đá cổ của EFEO, do bê tông bít kín nền nhà có thể là nguyên nhân gây hại cho bia Tư Lương. Cụ thể, các muối hòa tan được tạo ra bởi xi măng khi gặp độ ẩm có thể đã ngấm vào đá. Những cảnh báo của các chuyên gia đã được tôi trao đổi với chính quyền địa phương từ nhiều năm trước, nhưng đáng tiếc chẳng có gì thay đổi”, ông Tuệ nói. Theo ông Tuệ, “để bảo tồn và quảng bá tốt hơn cần phải xây dựng lại khu di tích ở mức quy mô hơn, theo hướng cổ kính thay vì nhà mái tôn đơn sơ. Bia đá cũng cần có chỗ thở, có khoảng cách xây bê tông cách xa ra, giữ khoảng cách với người tham quan. Ở nước ngoài, có những điểm du lịch rất nhỏ nhưng người ta xây dựng những tour du lịch rất hấp dẫn, độc đáo. Bia đá này còn có ý nghĩa hơn vì đây là độc bản, có nhiều giá trị nghiên cứu văn hóa”.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Văn Hóa, ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Đắk Pơ cho biết, do nguồn kinh phí ngân sách của huyện hạn hẹp nên hằng năm UBND huyện chỉ bố trí khoảng 60 - 70 triệu đồng cho công tác bảo vệ, quản lý di tích. Sau khi được UBND tỉnh xếp hạng di tích huyện đang xây dựng kế hoạch, lộ trình giai đoạn để bảo tồn, phát huy giá trị di tích bia đá cổ. Trong đó, về chữ trên bia đá huyện sẽ đề nghị tỉnh mời các nghệ nhân, chuyên gia khắc lại vì quá trình lâu ngày đá bị thoái hóa, bào mòn và mất chữ. “Đối với đường đất đi vào di tích, UBND huyện đang lập kế hoạch đầu tư, dự kiến năm 2024 sẽ triển khai thi công. Còn việc bảo tồn, bảo vệ phát huy các giá trị di tích bia đá cổ huyện cũng đang lập kế hoạch, xin ý kiến của tỉnh để có hướng đầu tư quy mô, trong đó sẽ lồng ghép nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia có các tiểu dự án phục hồi, đầu tư hạ tầng cho các di tích văn hóa”, Chủ tịch UBND huyện Đắk Pơ thông tin. 

Ngọc Hòa - Ảnh: Quang Tuệ

Báo Văn Hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 17/07/2023