Ngày 13/7, tại buôn Đung (xã Đắk Phơi, huyện Lắk), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức phục dựng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ mừng thọ của người M’nông năm 2023.
Không gian Lễ mừng thọ của người M’nông được phục dựng tại buôn Đung, xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Lễ mừng thọ của người M’nông ở huyện Lắk là một trong hai di sản của tỉnh Đắk Lắk được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022. Lễ mừng thọ của người M’nông thường tổ chức vào tháng 1 - 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương, rẫy. Theo phong tục truyền thống của người M’nông, khi cha mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ.
Lễ vật chính gồm một con lợn, ba chén cơm, một con gà, một quả bầu khô đựng đầy nước, một bếp than đỏ, một ché rượu cần lớn và 3 ché rượu cần nhỏ. Tham gia Lễ cúng gồm: Thầy cúng, thầy phụ cúng, người được cúng mừng thọ, đội nghệ nhân đánh chiêng, tổ phục vụ, hộ gia đình tham gia lễ mừng thọ, già làng, nhân dân của buôn Đung. Với người M’nông, mỗi khi tổ chức nghi lễ dù lớn hay nhỏ tại gia đình đều có sự quan tâm, tham gia của cộng đồng buôn làng. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, giáo dục cho con cháu trong gia đình, giáo dục buôn làng nếp ăn lối ở, tính siêng năng, trung thực và sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.
Thầy cúng cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Bắt đầu nghi lễ cúng Lễ mừng thọ, thầy cúng, thầy cúng phụ và tổ phục vụ hỗ trợ thầy cúng cùng sắp xếp tất cả các lễ vật, bày biện mâm cơm cúng. Khi tất cả các lễ vật đã được bày biện đầy đủ thì thầy cúng sẽ cúng lễ mừng thọ. Thầy cúng ngồi trước các lễ vật, ngồi cạnh là người được tổ chức lễ mừng thọ. Thầy cúng gọi Yàng gồm thần núi, thần rừng, thần nước để xin phép được tổ chức lễ mừng thọ. Sau đó, thầy cúng cầu khấn mong thần linh phù hộ cho người được mừng thọ có sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Người cha, người mẹ (người được tổ chức lễ mừng thọ) cầm cần uống rượu và tiếp tục cầu khấn mong thần linh luôn ở bên cạnh che chở, phù hộ những điều tốt đẹp nhất.
Các con cháu trong gia đình lần lượt thay phiên nhau gắp thức ăn, mời rượu cần, tặng lễ vật cho người được mừng thọ (cha, mẹ, ông, bà). Lễ vật thường là một bộ quần áo thổ cẩm truyền thống, đôi chăn thổ cẩm, ché rượu cần, vòng đồng… Tiếp đó, con cháu nói lời cầu chúc cho người được mừng thọ.
Tiết mục thổi kèn Đing năm và kể khan trong Lễ mừng thọ của người M’nông. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Sau khi được chúc mừng thọ và tặng quà, người con sẽ mời họ hàng, anh em gia đình, mời bà con cùng nhau dùng bữa cơm thân mật đã được bày biện sẵn. Xuyên suốt quá trình tổ chức lễ, đội đánh chiêng sẽ diễn tấu chiêng liên tục cho đến khi lễ kết thúc. Khi tổ chức lễ mừng thọ, bà con trong buôn cầu mong cho người được cúng có sức khỏe dồi dào, sống vui khỏe với con cháu và làm gương để dạy bảo con cháu trong làm ăn và dặn dò con cháu học hành để có cuộc sống tốt đẹp hơn, cùng nhau xây dựng buôn làng giàu đẹp hơn.
Đội đánh chiêng sẽ diễn tấu chiêng liên tục cho đến khi lễ mừng thọ kết thúc. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN
Lễ mừng thọ của người M’nông được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa. Đây là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ. Truyền thống đạo hiếu của gia đình, cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Lại Đức Đại cho biết, Lễ mừng thọ của người M’nông là một nghi lễ không thể thiếu trong đời sống của người M’nông, là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cần được bảo tồn, phát huy và lưu truyền. Việc phục dựng Lễ mừng thọ của người M’nông nhằm tái hiện một không gian văn hóa truyền thống của người M’nông nói riêng, người dân tộc thiểu số nói chung. Qua đó, góp phần động viên và giúp cộng động hiểu rõ hơn về các phong tục tập quán, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của 49 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh, con người Đắk Lắk, đặc biệt là văn hóa truyền thống của các dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Hoài Thu