Nghĩ đến ẩm thực Tây Nguyên, người ta thường nhớ đến những món đặc sản như rượu ghè, gà nướng, cơm lam..., tại Kon Tum, có thêm một món ăn rất đặc biệt mang đặc trưng của núi rừng, đó là gỏi lá. Món ăn đầy quyến rũ, chứa đựng bao điều thú vị.
Mẹt gỏi lá.
Theo người dân nơi đây truyền lại rằng, món gỏi lá bắt nguồn từ rất lâu rồi. Qua những lần vào rừng phát nương làm rẫy, đồng bào bản địa hái lá cây rừng để ăn trong những bữa cơm trưa, sau đó lại mang về nhà để dùng bữa tối. Dần dà, họ đã phát triển lên thành đặc sản, chọn những lá cây rừng kết hợp với thức ăn kèm để có thể trở thành món ăn thú vị này.
Những ai đã từng theo chân người hái lá mới thấm hết sự mệt nhọc và hiểm nguy khi leo rừng, lội suối, trèo lên những mỏm đá cheo leo, len lỏi qua từng bụi cây bất kể thời tiết nắng mưa. Những loại lá cây rừng mọc theo từng mùa, người hái lá phải thật khéo, để còn có thể quay lại hái những lần sau. Ngoài những loại lá rừng như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá bứa, từ đại bi..., còn có các loại lá chúng ta có thể tìm hái ngay trong vườn nhà, như chùm ruột, ngũ gia bì, lá sung, lá ổi, lá xoài, lá mận, đinh lăng, càng cua, tía tô, lá mơ, rau cải...
Hái lá rừng vất vả là vậy, nhưng những món ăn kèm cũng không kém phần kỳ công. Thịt ba chỉ được chọn vừa đủ nạc và mỡ, luộc lên rồi thái từng lát mỏng. Tép sông được cắt sạch râu rang khô, nhưng phải làm sao để con tôm vẫn mềm và khi cắn vào vẫn mọng nước. Bì heo được cắt thành sợi, trộn chung với thính, riềng cắt nhỏ và gia vị. Và không thể thiếu là đĩa muối hạt, tiêu xanh và ớt chỉ thiên, loại ớt đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
Bên cạnh mâm lá còn có một loại nước chấm đặc biệt được tạo thành từ hèm rượu. Gạo nếp được ủ lên men, sau đó ủ chung với tôm, thịt và xay nhuyễn. Hành khô thái sợi phi thơm, cho hỗn hợp vừa xay nhuyễn vào nấu với lửa riu riu trên bếp rồi nêm thêm gia vị đến khi vừa ăn.
Mẹt rau được bày biện bắt mắt, đủ mầu sắc như xanh non của đọt xoài, xanh đậm của lá mật gấu, hồng tía của đọt mận, lá ngành ngạnh đỏ, tím thẫm của lá tía tô, lá mơ... Cùng sự bày biện hài hòa với thịt luộc, tôm rang, bì heo trộn thính, muối, tiêu, ớt… giúp người ăn có thể lựa chọn được những thứ mình thích.
Cách ăn gỏi lá cũng khá cầu kỳ. Khi ăn, chọn một lá to nhất, cuốn lại theo hình cái phễu, tiếp đó chọn những loại lá nhỏ hơn theo khẩu vị của từng người, để bỏ vào trong cùng với một ít thịt heo, một con tôm, vài cọng bì, vài hạt muối trắng kèm theo tiêu sọ, ớt hiểm. Múc một ít nước chấm rưới lên trên cùng rồi bỏ hết vào miệng, thưởng thức chung một lần. Khi đó, chúng ta sẽ cảm nhận được vị chan chát của lá ổi, chua chua của lá cóc, đăng đắng của lá mật gấu, cay cay của hạt tiêu sọ, beo béo của thịt heo và ngầy ngậy của nước sốt. Đặc biệt hơn là vị cay nồng của trái ớt chỉ thiên.
Khi ăn gỏi lá, chúng ta sẽ không cuốn hết các loại lá cùng một lúc, mà chỉ cuốn khoảng vài lá ăn một lần để vừa miệng và dễ cầm. Mỗi cuốn gỏi lá đem lại những hương vị riêng biệt nhờ sự đa dạng của các loại lá. Cứ vậy, khi ăn hết các loại lá trên mâm, ta sẽ cảm nhận, trải nghiệm được rất nhiều hương vị thiên nhiên từ rừng núi Kon Tum.
Ngoài chức năng ẩm thực, gỏi lá được xem là món ăn trị liệu, bởi có rất nhiều loại lá mang dược tính, có công dụng chữa bệnh và thanh nhiệt cơ thể, là vị thuốc được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Phương Thảo