Cùng với nhiều tín ngưỡng văn hóa độc đáo, kiến trúc nhà ở, đặc biệt là nhà sàn của đồng bào Nùng ở Cao Bằng là điểm nhấn thu hút du khách đến tham quan. Nhà sàn không chỉ là nơi ở, sinh hoạt thường ngày mà còn là hình ảnh đặc trưng, sợi dây vô hình kết nối văn hóa truyền thống với đời sống hiện đại, thể hiện tín ngưỡng, phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt, sản xuất... được nhân dân địa phương lưu giữ.
Nhà ở là công trình văn hóa, đồng thời là nơi hội tụ nét sinh hoạt văn hóa của gia đình và cũng là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa dân tộc. Ngược dòng lịch sử, khi xã hội chỉ thu nhỏ trong phạm vi làng, bản thì mọi sinh hoạt gia đình, giao tiếp cộng đồng cùng những mối liên hệ của con người với thế giới tự nhiên chủ yếu diễn ra trong ngôi nhà sàn. Chính vì vậy, nhà ở hay nhà sàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối bà con dân tộc Nùng.
Trước khi xây dựng nhà ở, đồng bào dân tộc Nùng rất quan tâm vấn đề xem tuổi làm nhà. Tuổi làm nhà tốt nhất là tuổi của chồng hoặc một trong những đứa con của chủ nhà. Người được tuổi làm nhà phải đứng tên và có mặt trong mọi thủ tục cần thiết liên quan đến làm nhà và những khâu quan trọng trong quá trình dựng nhà như: động thổ (san nền), đặt móng (dựng cột), đổ tràn (đặt thượng lương, lợp nhà); nếu vợ hoặc chồng không được tuổi làm nhà thì những giờ động thổ, đặt móng và đổ trần, người đó cần lánh mặt, đi làm việc khác.
Xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) là nơi còn lưu giữ nhiều nếp nhà sàn.
Sau khi chọn được tuổi, đồng bào Nùng sẽ xem miếng đất, chọn hướng nhà, người Nùng thường có câu “Đảy kin dòm mò mả, thoong thả dòm tỉ rườn”, nghĩa là làm ăn được là nhờ mồ mả, được yên ổn là nhờ đất làm nhà. Đồng bào thường đặt thế nhà đó trong toàn cảnh thế đất và cảnh quan xung quanh, bao gồm hướng phía trước nhà, “điểm tựa” phía sau nhà và thế đất ở bên sườn nhà. Hướng nhà tốt là phải nhìn được xa, phải có một đỉnh núi cao ở tầm xa làm đích.
Ngôi nhà truyền thống là ngôi nhà sàn, lợp ngói máng, dưới gầm sàn là chuồng gia cầm, thậm chí cả gia súc. Nguyên liệu để làm nhà là gỗ, tre, ngói, là những vật liệu người Nùng tự chế tác. Cột, kèo, xà được làm bằng gỗ tốt nhất, phổ biến nhất là gỗ nghiến, gỗ đinh... Bộ khung này được coi là "vĩnh cửu", trải qua thời gian không mối, không mọt, không mục. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện tự nhiên của từng vùng mà nguyên vật liệu làm nhà có phần khác nhau. Một số vùng dựng nhà sàn với khung gỗ nhưng vách lại trát bằng đất.
Kỹ thuật làm nhà của đồng bào Nùng chủ yếu là thủ công, thông qua các phương pháp cưa cắt, bào, đục lỗ, ghép mộng, chốt đinh gỗ và cột nhà kê trên đá tảng. Về thiết kế mặt bằng, nhà đồng bào Nùng có chiều sâu lớn hơn chiều rộng, theo công thức thông thường là 4 x 3 (tức là 4 sâu, 3 rộng). Về giá trị sử dụng, nhà sàn người Nùng có 3 tầng sử dụng: Tầng 1 là gầm sàn dành cho gia cầm, công cụ sản xuất, gia súc. Tầng 2 là sàn nhà, dành cho người ở cùng các đồ dùng sinh hoạt. Tầng 3 là gác, thường là kho chứa lương thực và các thứ khác cần được bảo quản ở nơi khô ráo.
Tầng một là mặt đất, dưới gầm sàn người ở. Ở đây có chuồng gà, vịt, ngan, ngỗng, chuồng lợn và có thể có cả trâu, bò, ngựa. Ngày nay, hầu hết bà con đã đưa chuồng gia súc và các loại gia cầm ra ngoài gầm sàn, cạnh nhà ở. Ngoài ra, tầng một cũng là nơi để các công cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, xẻng...
Tầng hai là nơi cả gia đình sẽ sinh sống và sinh hoạt. Nhà bình thường có 3 gian, có hai cửa ra vào, cửa chính ở phía trước, cửa phụ ở phía sau. Trên sàn nhà ở được chia thành những khu vực sinh hoạt khác nhau: nơi nghỉ ngơi, nơi nấu nướng, nơi thờ tự…
Nhiều gia đình đã cải tiến ngôi nhà sàn cũ bằng những vật liệu hiện đại hơn tuy nhiên vẫn giữ được nét truyền thống vốn có của nhà sàn.
Trong ngôi nhà 3 gian có thể chia thành hai nửa. Tính từ phía trước nhà đến phía sau nhà, gian này thường có giường ngủ của con trai, tiếp nữa là cối xay, cối giã gạo, cầu thang lên xuống gầm sàn và có thể để ít củi đun hằng ngày. Cửa sau được mở ở gian này. Gian bên cạnh, phía ngược lại được phân chia thành các buồng và bố trí như sau: buồng đầu tiên là buồng ngủ của chủ nhà, buồng thứ hai là buồng ngủ của con gái. Trong đó, gian chính giữa là gian trang trọng nhất dùng để đặt bàn thờ cúng tổ tiên và tiếp khách. Khu vực này thường từ ngăn bếp đến cửa trước là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Tầng ba là gác để lương thực dự trữ ăn cả năm, để các loại đỗ, lạc, đường phên.
Bếp được đặt ở phần cuối gian giữa của ngôi nhà, đây là nơi để nấu ăn và mọi người sum họp bên bếp lửa. Phía trên bếp lửa đồng bào treo một gác nho nhỏ bằng nan tre với diện tích khoảng 2 m². Trên gác bếp, thường để các thứ dùng hằng ngày và một số thứ cần hong khô như bao diêm, đóm, măng khô, mộc nhĩ...
Phía trước nhà ở là sàn để phơi. Sàn phơi thấp hơn sàn ở một chút và được làm bên ngoài giọt gianh của mái nhà. Sàn ở nối với sàn phơi bằng một hiên nhà rộng khoảng một mét. Sàn phơi được nối đất bằng một thang. Người vào nhà đi cửa trước, phải lên thang sàn phơi rồi mới vào nhà. Sàn nhà được tận dụng để phơi các nông sản hoặc là nơi nghỉ ngơi, trò chuyện, may vá, thêu thùa của chị em phụ nữ…
Phía sau nhà, liền với cửa sau còn có một sàn nhỏ, sàn này thường được trưng dụng làm nơi chứa bể nước hoặc các thùng, vại chứa nước. Người nhà, khách quen hay qua lại với gia đình sẽ đi cửa sau để rửa chân, tay rồi mới vào nhà.
Ngay cạnh nhà ở còn có một mảnh vườn. Tùy điều kiện kinh tế, thế đất của mỗi gia đình vườn có thể rộng, hẹp khác nhau. Trong vườn trồng các loại rau xanh theo mùa hoặc một số cây ăn quả phổ biến.
Để mỗi ngôi nhà sàn hoàn thành như mong muốn, bà con chung tay cùng làm trong mấy tháng, theo hình thức đổi công. Đến khi vào nhà mới, chủ nhà sẽ mời khách, đặc biệt là những người đã giúp gia đình xây nhà đến ăn cỗ để cảm ơn.
Ngày nay, những ngôi nhà sàn bình dị ấm cúng, khói lam thơm thoảng gió đồng dần nhường chỗ cho những ngồi nhà hiện đại, mái tôn, tường xây. Tuy nhiên, những nếp nhà sàn vẫn được nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc Tày, Nùng lưu giữ bởi đó là giá trị văn hóa từ xa xưa để lại, cần được gìn giữ, bảo tồn.
Hải Đăng