Sau hơn một năm xây dựng, Làng văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện A Lưới - “ngôi nhà chung”, bảo tồn, gìn giữ, tái hiện và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã chính thức hoạt động trong niềm vui của đồng bào miền tây xứ Huế.
A Lưới là huyện miền núi nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, với hơn 54 nghìn người, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 76,8%. Vùng đất này từng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Ước mong có một “ngôi nhà chung” từng được đưa ra nhiều năm trước với hy vọng đó sẽ là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, sắt son, một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Được xây dựng tại Khu bảo tồn sim rừng thuộc xã Hồng Thượng, Làng văn hóa truyền thống có diện tích 5 ha, đã hoàn thành giai đoạn I với các hạng mục như đường giao thông liên xã từ xã Phú Vinh đi xã Hồng Thượng - kết nối từ đường Hồ Chí Minh vào làng văn hóa; khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; nhà sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu. Đây sẽ là nơi quảng bá nét đẹp, trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Ngay khi đưa vào hoạt động, nhiều lễ hội của từng dân tộc đã được tái hiện như Lễ hội A Rêu Ca của đồng bào Pa Cô; Lễ hội Kliing Tang (lễ cúng Giàng) của người Tà Ôi, Lễ hội Ân Ninh (đáp lễ của nhà trai) của người Cơ Tu.
Để làng trở thành một điểm nhấn trên bản đồ văn hóa, du lịch của Thừa Thiên Huế, đại diện huyện A Lưới cho hay, sẽ mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa, nghề truyền thống về làng để giới thiệu quảng bá, thao diễn phục vụ du khách. Trong đó phải kể đến các nghề tiêu biểu như dệt thổ cẩm zèng, nghề gốm truyền thống, nghề đan chiếu. Ở giai đoạn 2, dự án sẽ tập trung vào các công trình nhà ở truyền thống của các dân tộc, quảng trường trung tâm, khu làng nghề, khu nhà mồ nhằm tái hiện lại đời sống sinh hoạt của đồng bào xưa. Qua đó tạo điểm nhấn, kết nối du khách đến tham quan, trải nghiệm tại huyện A Lưới.
Minh An