Ngày 8-5, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hán Văn Khẩn, Trưởng nhóm nghiên cứu khảo cổ học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: Nhóm đã phát hiện được một số di tích khảo cổ học dưới mặt đất như lò nung gốm ở xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn); đồ gốm men, sảnh sứ, xỉ lò, mảnh ống bễ, mộ Hán ở các xã Đông Hội, Xuân Canh (huyện Đông Anh)... hé mở một khả năng về sự tồn tại của lò luyện thép thời Lê.
Đặc biệt, đợt khai quật
di tích Hoa Lâm Viên (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh) lần này, các nhà khảo cổ học
đã phát hiện được dấu tích cư trú của một nhóm cư dân thời tiền Thăng Long,
thông qua những hiện vật gốm tráng men có niên đại thuộc thế kỷ IX - X và gạch
"Giang Tây Quân", gạch có dạng múi bưởi. Việc phát hiện này cho thấy đây vốn là
một điểm tụ cư quan trọng của Đại La và là tiền đề cho sự phát triển của các
nhóm cư dân thời Lý - Trần.