Nói đến Phú Thọ, du khách nghĩ ngay đến Đất tổ Hùng Vương và đến vùng đất đã sản sinh ra một loại hình dân ca độc đáo nằm trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam, đó là hát Xoan. Hát Xoan được coi là một Di sản văn hóa phi vật thể quý giá của vùng đất Tổ, nó tồn tại lâu đời và ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Loại hình nghệ thuật này còn là nghi lễ, phong tục, là sản phẩm của cư dân nông nghiệp vùng đất cội nguồn dân tộc.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Thuở xa xưa người Văn Lang tổ chức các cuộc Hát Xoan vào mùa xuân, mở đầu cho múa hát để đón chào năm mới, không chỉ để vui chơi mà còn là để cầu trời cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và chúc tụng Vua Hùng. Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước.
Theo sử sách ghi lại thì điệu múa hát Xoan đã tồn tại hơn 2.000 năm nay, là một di sản văn hóa dân gian hết sức quý báu. Trên chặng đường dài đó, trong lịch sử hát Xoan đã được nhiều người có vị thế và uy tín trong xã hội, nhiều văn nhân thi sĩ nâng đỡ tạo điều kiện cho phát triển. Trong đó có phần công lao quan trọng của bà Lê Thị Lan Xuân, mà phường Xoan truyền tụng như một ân nhân.
Bà Lê Thị Lan Xuân hiệu Phụng Thánh phu nhân, vợ thứ tư vua Lý Thần Tông, là cháu năm đời vua Lê Đại Hành (Tiền Lê). Ông nội của bà là Phò Ký úy giữ chức quan sát sứ châu Chân Đăng (địa bàn hai bên bờ sông Hồng từ Tam Nông Lâm Thao trở ngược), lập phủ ở Hương Tuế Phong (vùng Hương Nộn Tam Nông), rồi trở thành quê hương. Vì vậy, sau khi Vua Lý Thần Tông mất (năm 1137), bà trông coi lăng tẩm tám năm, rồi rời kinh đô Thăng Long trở về Tuế Phong lập chùa Diên Linh Phúc Thánh trên núi Ngọc Phác tu hành (nay thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông). Sau khi bà mất được nhân dân tạc tượng thờ trong chùa.
Thời gian này ở các làng Kim Đơi, Thét, Phù Đức (nay thuộc xã Kim Đức, TP. Việt Trì) và làng An Thái (nay thuộc xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì) có các phường múa hát Xuân đi biểu diễn ở các hội làng. Điệu múa hát Xuân chỉ hát trong mùa Xuân, bước sang các mùa Hạ, Thu, Đông thôi không hát nữa.
Bà Lê Thị Lan Xuân hiểu giá trị văn hóa nghệ thuật tuyệt vời của điệu múa hát này thường cho triệu phường Xuân đến Hương Nộn biểu diễn. Rồi bà sốt sắng giúp đỡ họ về tổ chức, bài bản. Một mặt bà tạo điều kiện cho họ đến múa hát ở các đình đền thờ Vua Hùng. Một mặt bà cho sưu tầm các câu hát truyền miệng ghi vào sách vở, tất cả gần 2.000 câu. Bà bàn bạc với những người am hiểu trong các phường chia ra từng tiết mục rành mạch gồm có năm đoạn lề lối; 14 đoạn quả cách; chín giọng vặt là. Đó là bài bản hát Xuân.
Để tỏ lòng biết ơn bà, các phường Xuân kiêng tên bà gọi chệch đi là hát Xoan. Hàng năm mở đầu mùa hát Xoan, bao giờ phường Xoan cũng phải đến Hương Nộn cúng bà và múa hát hầu thánh. Cũng vì lẽ đó mà người ta gọi Hương Nộn là Kẻ Xoan và làng Hương Nộn là nơi thờ chính bà Lan Xuân, người có công với phường Xoan.
Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường, là một tổ chức văn nghệ nghiệp dư của những người cùng làng, phần lớn là có quan hệ họ hàng bà con với nhau. Người đứng đầu một phường Xoan (hay họ Xoan) gọi là ông Trùm. Ông Trùm là một người có kinh nghiệm về nghề nghiệp xã giao và viết chữ để hát dẫn một số bài dài được chép bằng văn tự. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Đào. Mỗi phường Xoan có khoảng 15 đến 18 người. Y phục dân tộc hệt quan họ Bắc Ninh. Nam thì áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Những làng có người đi hát Xoan này nước nghĩa với phường Xoan và các phường Xoan cũng nước nghĩa với nhau. Họ coi nhau thân thiết như anh em, nhưng tuyệt đối đào kép Xoan không được lấy nam nữ thanh niên của làng nước nghĩa. Trước mùa hội hè họ tổ chức tập luyện bài bản. Mùa hội họ đi hát nhiều nơi, có khi đôi ba tháng mới về.
Có lẽ phải tận mắt thấy, lắng tai nghe mới hiểu rõ được ý nghĩa sự thiêng liêng của những làn điệu Xoan bởi hát Xoan hướng về tâm linh (biểu diễn tại sân đình), lại hát về khát vọng mùa xuân, những câu chữ ngầm thể hiện ước vọng của con người. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là 4 tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Đây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi; theo thứ tự: Giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách (còn gọi là quả cách).
Trong phần này, ông Trùm hoặc một kép chính giở sách ngân nga 14 bài thơ nôm dài với giọng phụ họa của các cô đào đứng ở phía sau. Mười bốn quả cách trong hát Xoan là những áng thơ khuyết danh với các đề tài khác nhau; như mô tả lao động, sinh hoạt ở nông thôn, ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, kể các tích chuyện xưa. Sau phần hát cách đến các tiết mục có tính chất dân gian với nội dung đậm nét trữ tình, giao duyên. Mỗi tiết mục nối tiếp nhau ở đây thường gắn với những động tác và đội hình múa, hoặc lối diễn mang tính chất hoạt cảnh. Ví dụ: hát gái, bỏ bộ, xin huê, đố huê, đố chữ, gài huê, hát đúm, đánh cá,...
Ngày nay, Hát Xoan chỉ thấy phổ biến ở vùng đất Tổ diễn ra vào mùa xuân, sau tết Nguyên Đán. Tùy theo hoàn cảnh của mỗi làng mà phường Xoan có thể biểu diễn cả ba đêm hay một, hai đêm với chương trình đầy đủ hay rút gọn. Họ hát bằng nhiều giọng khác nhau, có lúc dùng điệu bộ chân tay, có lúc múa nhẩy kèm theo trống phách đưa đệm.
Hát Xoan không chỉ là di sản văn hoá phi vật thể của cư dân vùng trung du Phú Thọ mà còn là di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật, Hát Xoan Phú Thọ đã dần được bảo tồn, gìn giữ phổ biến và phát triển để loại hình dân ca này có sức lan toả mạnh mẽ và trường tồn cùng thời gian, xứng đáng với vị trí của nó trong nền âm nhạc dân tộc.
Nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, các phường Xoan ở vùng đất Tổ - tỉnh Phú Thọ đã không ngừng đào tạo, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ để những ngày hội làng, ngày lễ Tết của dân tộc, những làn điệu Xoan mượt mà, thắm đượm tình quê lại vang lên, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam… Đặc biệt, hồ sơ Hát Xoan đã được gửi tới UNESCO để đề nghị xem xét công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Phương Anh (Tổng hợp)