Ngày 6/6/2011, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ Tài nguyên
và Môi trường đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức diễn đàn Thương hiệu
biển Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Quảng bá và xây dựng thương hiệu, sản vật,
sản phẩm biển Việt Nam thân thiện với môi trường”. Đây là một trong những hoạt
động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011.
|
Mũi Né - Bình Thuận |
Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và
Môi trường Nguyễn Văn Đức, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, đại diện lãnh
đạo Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, đại diện ngành du lịch… cùng với gần 300
đại biểu đến từ các địa phương có biển, các cơ quan quản lý nhà nước về biển...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã khẳng định vai trò to lớn của
biển trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, đồng thời đề xuất việc xây
dựng thương hiệu biển Việt Nam mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm thu hút các
nguồn lực cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các tập đoàn
kinh tế lớn trên thế giới.
Việt Nam có tiềm
năng phong phú để phát triển loại hình du lịch biển, đảo với 3.260km đường bờ
biển, hơn 3.000 hòn đảo, hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ có cảnh quan đẹp, trong đó
có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, dọc bờ biển nước ta còn có
hàng trăm vũng, vịnh nước sâu, kín gió có thể xây dựng cảng, nhất là những cảng
trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có khả năng trở thành khu hậu cần cho việc khai
thác biển xa. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nơi, môi trường biển nước ta đang
bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm giảm sức cạnh tranh của các sản vật, sản phẩm biển
Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế thị trường. Riêng
về lĩnh vực du lịch, Việt Nam
chưa có những sản phẩm dịch vụ biển, đảo đặc sắc có tính cạnh tranh cao trong khu
vực và quốc tế. Trước thực trạng đó, các đại biểu đã trình bày các tham luận tập
trung vào một số chủ đề chính như: sản phẩm, sản vật biển thân thiện với môi
trường - cách tiếp cận mới trong quản lý, xây dựng thương hiệu biển Việt Nam
trong thế kỷ 21; sản phẩm, sản vật biển thân thiện với môi trường nhìn từ định
hướng phát triển của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và từ góc độ góp ý của
các tổ chức quốc tế; tiềm năng khai thác du lịch biển, đảo, cảng biển; ứng dụng
khoa học biển; công tác đào tạo hướng nghiệp cho thanh niên; vị thế, thương
hiệu của sản vật yến sào Khánh Hòa trên thị trường quốc tế… Trong đó, đáng chú
ý là tham luận của PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát
triển du lịch (Tổng cục Du lịch) về việc xây dựng “giá trị xanh” cho các sản
phẩm du lịch biển. Tham luận khẳng định: “Giá trị xanh” của một sản phẩm du
lịch phụ thuộc nhiều vào mức độ thân thiện với môi trường của những yếu tố có
khả năng ảnh hưởng đến tính chất tham gia vào việc hình thành nên sản phẩm du
lịch. Do đó, phát triển du lịch “xanh” mang tính bền vững là mục tiêu mà du
lịch biển Việt Nam cần hướng tới, là giải pháp và hướng đi đúng để phát triển
du lịch, khẳng định thương hiệu bền vững. Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch
sẽ ban hành hệ thống tiêu chuẩn “xanh” đối với các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ 3 là cơ hội để
giới thiệu vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo trong quá trình phát triển
kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng; là dịp để quảng bá thành
tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế biển đảo của các địa phương và doanh nghiệp
cả nước; đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, quảng bá và phát triển bền vững thương
hiệu các sản vật, sản phẩm biển Việt Nam, nhất là các sản phẩm thân thiện với
môi trường.
Phạm Phương (TTTTDL)