Khám phá du lịch hang động Lạng Sơn
Cập nhật: 27/07/2011
Lạng Sơn từ lâu đã được du khách gần xa biết đến là mảnh đất của những thắng cảnh đẹp và địa danh nổi tiếng như: chợ Đồng Đăng, chợ Kỳ Lừa, núi Tô Thị hay cụm chùa Tam Thanh – Nhị Thanh… Không những thế, là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc của Tổ quốc với tỉ lệ diện tích đồi núi chiếm đến 80%, Lạng Sơn còn có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hang động, tạo thương hiệu mới cho du lịch địa phương.

           Suối Ngọc Tuyền bên trái cửa động
Nằm trên một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ thuộc đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, TP. Lạng Sơn, động Nhị Thanh do Ngô Thì Sỹ - một vị quan triều Lê được cử lên Lạng Sơn làm quan Đốc Trấn - phát hiện và tôn tạo vào cuối thế kỷ 18. Bên trái cửa động là hồ Nhất Bình, nước quanh năm không bao giờ cạn. Nằm ở một thế đất cao bên phải cửa động là chùa Tam Giáo thờ Khổng Tử (Đạo Nho), Đức Phật tổ Thích Ca (Đạo Phật) và Tổ Đạo Lý Lão quân (Đạo Giáo). Trong chùa có pho tượng đức Phật Di đà cao 2,2m được tạc nổi vào vách đá.  

Với chiều dài khoảng 500m, động Nhị Thanh thu hút du khách bởi vẻ đẹp kỳ thú được tạo nên từ vô số những nhũ đá hình thù đa dạng rủ xuống từ trần động. Ngoài ra, động còn lưu giữ hệ thống văn bia tạc trên vách đá của các văn nhân, quan lại qua các thời kỳ.

Đi hết động Nhị Thanh, đứng ở cửa sau của động, du khách sẽ thấy trên dãy núi còn có một hang động khác, đó là động Tam Thanh. Động có vòm cao, rộng. Trong động có chùa Tam Thanh (Thanh Thiên tự) được lập vào khoảng thế kỷ 16, 17. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học, đặc sắc nhất là hệ thống văn bia ghi lại quá trình tôn tạo chùa và cảm tác của các tao nhân mặc khách khi đến thăm chùa. Động có hai cửa thông thiên khiến cho ánh sáng rọi xuống những nhũ đá càng làm cho chúng ngời lên vẻ đẹp lạ thường. Trèo lên đứng ở lầu Vọng Thị bên cửa thông thiên của động, nhìn chếch về phía đông bắc, du khách sẽ thấy hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Tô Thị, một biểu tượng đẹp về lòng chung thuỷ của người phụ nữ Việt Nam. Dưới chân núi là di tích Thành Nhà Mạc gồm hai đoạn tường được xây bằng đá cổ kính, rêu phong.

Động Nhị Thanh – Tam Thanh đã được Ngô Thì Sỹ phong là “Đệ nhất bát cảnh” trong “Trấn doanh bát cảnh” (8 cảnh đẹp của xứ Lạng).  

                              Giếng Tiên
Thuộc phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m có núi đá Đại Tượng. Trên núi có động Chùa Tiên, là một trong 8 cảnh đẹp của xứ Lạng đã được Ngô Thì Sỹ ghi nhận. Động Chùa Tiên nằm ngang chừng núi, lối đi lên có 64 bậc. Động là một hang đá khổng lồ với nhiều khoang lớn nhỏ khác nhau. Bên trong động có hồ Thu Thủy, nhiều thạch nhũ mang hình dáng độc đáo như hình tiên ông, hình voi, chim nhạn hoặc dơi bay... Trong động có chùa Tiên được lập vào thời Hồng Đức (1460 - 1497), là nơi còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: chuông, hoành phi, câu đối, văn bia lưu niệm của các danh nhân… Đằng sau núi Đại Tượng có giếng Tiên, nước chảy quanh năm không bao giờ cạn, gắn liền với truyền thuyết tiên ông xuống trần dẫm đá thành giếng nước, giúp dân thoát khỏi hạn hán thuở xưa.  

Nằm lưng chừng ngọn núi đá vôi ở phía tây bắc bản Sao Thượng, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, cách thị trấn Đồng Mỏ khoảng 8km, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 30km, hang Gió được biết đến là một trong những thắng cảnh đẹp của Lạng Sơn. Khí hậu ở đây mát mẻ, ôn hòa, được du khách ví như “thiên đường nơi hạ giới”. Hang có chiều dài khoảng 100m, rộng 50 - 70m. Từ cửa hang đi vào, trần hang thấp dần, trong khi sàn hang có dạng ruộng bậc thang lên cao dần nên cuối hang là chỗ trần và sàn hang gặp nhau. Trong hang có nhiều nhũ đá hình thù độc đáo như bầu vú mẹ, dòng nước mắt, voi, ngựa, cò, sếu, chuông đá, măng đá, cột đá…  

Với tiềm năng phong phú, đa dạng, khám phá hang động đang trở thành một nhân tố quan trọng làm nên sức hấp dẫn cho du lịch xứ Lạng, hứa hẹn bước phát triển đột phá cho du lịch địa phương.

Phạm Phương (TTTTDL)