Thuộc khu vực miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, cao nguyên Mộc Châu là nơi
tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của tỉnh Sơn La. Vào bất kỳ mùa nào
trong năm, Mộc Châu cũng luôn ẩn chứa những điều bất ngờ, lôi cuốn du khách. Đặc
biệt, mùa hè ở cao nguyên Mộc Châu, khí hậu rất trong lành, mát mẻ với nhiệt độ
trung bình là 20ºC.
Đến Mộc Châu vào mùa hè, du khách sẽ có được những trải
nghiệm thú vị khi lang thang trên những đồi chè xanh mướt, ngất ngây giữa những
vườn mận chín đỏ, thả lỏng mình giữa làn hơi nước mát lạnh từ thác Bản Vặt, hay
khám phá nét bí ẩn của hang Dơi...
Từ trung tâm thị trấn nông trường Mộc
Châu, đi theo con đường đến xã Tân Lập khoảng 20km, du khách sẽ thấy những đồi mận nằm bạt ngàn dọc hai bên
đường. Nổi bật giữa màu xanh tươi mát của cây lá là màu đỏ của những chùm mận
trĩu cành. Buổi sáng, khi những đỉnh núi vẫn còn đang ẩn mình trong sương sớm,
người Mông, người Thái đã nô nức lên đồi trẩy mận. Mỗi ngày, người dân địa
phương thu hoạch hàng trăm tấn mận hậu. Đến đây, du khách sẽ được tham gia chương trình du lịch hái mận, được trải nghiệm cuộc
sống của người nông dân khi đeo gùi trên lưng, tự tay hái những trái mận chín
đỏ và nhận thù lao từ số mận mình hái được.
|
Tham gia hái mận cùng người dân Mộc Châu |
Từ thị trấn Mộc châu, ngược lên phía
thành phố Sơn La khoảng 300m, du khách sẽ đến với
hang Dơi (động Sơn Mộc Hương). Cửa hang nhìn xuống một thung lũng
lớn, giữa thung lũng có bảy quả núi nhỏ tựa như bảy viên ngọc. Tương truyền, thuở
xưa, có một con rồng khi bay qua vùng này thấy phong cảnh sơn thuỷ hữu tình,
khí hậu ôn hoà đã dừng lại nghỉ ngơi. Khi rời khỏi đây, rồng đã nhả ra 7 viên
ngọc là 7 quả núi như hiện nay. Từ cửa hang, du khách có thể quan sát được cả
thị trấn Mộc Châu. Ngoài ra, tại khoảng đất rộng trước cửa hang, các nhà khảo
cổ học đã khai quật được những hiện vật cho thấy tại vùng này đã có người Việt
cổ sinh sống cách đây khoảng 3.000 – 3.500 năm như: mảnh tước, rìu mài lưỡi, bi
đá, mảnh gốm... Trong hang có những dải thạch nhũ lấp lánh nhiều sắc màu và
mang những hình dáng sinh động: cây đồng tiền, cây thóc, hình ông tiên, cô
tiên, con voi, sư tử, hổ, kỳ đà, đại bàng... Ngày 24/1/1998, hang Dơi đã được
Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) công nhận là Di
tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Cách nông trường Mộc Châu 3km là thác Bản Vặt hay còn gọi là thác Dải Yếm. Khởi nguồn từ hai khe
nước Bó Co Lắm và Bo Tá Cháu ở đầu bản Vặt, suối Vặt chảy được khoảng 5km thì
hòa vào dòng chảy của suối Bó Sập - một dòng suối lớn bắt nguồn từ bản Bó Sập
giáp biên giới Việt – Lào, tạo thành thác Bản Vặt. Nước từ trên thác ngày đêm
đổ xuống trắng xóa, mang đến cho du khách cảm giác sảng khoái, thích thú trước
một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ của đất trời.
|
Thác Dải Yếm |
Nằm cách thị trấn Mộc Châu 15km về
phía đông là
đỉnh Phiêng Luông với
độ cao 1.500m. Trên đỉnh núi có một khu đất bằng phẳng rộng gần 10ha, rất thích
hợp cho những môn thể thao như cưỡi ngựa, đi bộ hoặc leo núi. Từ thị trấn Mộc
Châu đi về phía nam khoảng 40km, du khách sẽ đến với khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha - Sốp Cộp. Với diện tích 27.886ha,
nơi đây có hệ động thực vật rất phong phú, thích hợp cho loại hình du lịch sinh
thái.
Đến với Mộc Châu, du khách còn có
dịp tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc đang sinh
sống tại đây. Du khách có thể đến tham quan khu bản Áng (xã Đông Sang), bản Vặt
(xã Mường Sang) của dân tộc Thái; khu Lóng Luông (xã Lóng Luông), Vân Hồ (xã
Vân Hồ) của dân tộc Mông để thỏa sức đắm mình trong tiếng trống, tiếng khèn, lời
ca, điệu múa và những trò chơi dân gian đặc sắc.
Với những tiềm năng du lịch phong
phú và đa dạng, Mộc Châu hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị và
bổ ích.
Phạm Phương (TTTTDL)