Mùa xuân, về dự lễ hội Cố đô Hoa Lư
Cập nhật: 09/04/2011
"Ai là con cháu Rồng Tiên Tháng ba mở hội Trường Yên thì về”...  

Từ ngày 6 đến 8/3 âm lịch hàng năm, du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội Cố đô Hoa Lư (lễ hội Trường Yên) tại Khu Di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), để tưởng nhớ công dựng nước và giữ nước của Vua Đinh Tiên Hoàng và Vua Lê Đại Hành.

Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam, tồn tại 41 năm (968 - 1009), trong đó, 12 năm đầu dưới Triều Đinh (người đầu tiên lên ngôi Hoàng Đế là Đinh Bộ Lĩnh, hiệu là Đinh Tiên Hoàng), 29 năm tiếp theo dưới Triều Tiền Lê (người đầu tiên lên ngôi Hoàng Đế là Lê Hoàn, hiệu là Lê Đại Hành).

Mùa xuân về dự lễ hội Cố đô Hoa Lư cũng là dịp để du khách thăm lại kinh đô cổ xưa.

Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 8 đến 10/4/2011. Trong phần nghi lễ truyền thống, lễ rước nước, lễ dâng hương và lễ tế luôn là những nghi lễ quan trọng nhất; ngoài ra còn có thêm đại lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng.

Từ trước ngày khai mạc lễ hội, Ban Tổ chức đã “trồng” ở sông Hoàng Long (gần cửa Đại Hoàng xưa) một cây tre lớn, cành lá xum xuê xanh tốt. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi những lời chú với nội dung nhớ ơn rồng vàng ở sông đã giúp Vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thu giang san về một mối, dựng nên cơ nghiệp Nhà Đinh và cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ…

Đúng giờ thìn ngày khai mạc lễ hội, lễ rước nước được bắt đầu. Đoàn rước sẽ khởi hành từ đền Vua Đinh, qua đền Vua Lê để ra bến sông Hoàng Long. Dẫn đầu là đoàn người đi hàng đôi mang cờ ngũ sắc, tiếp theo là đoàn múa rồng - biểu tượng cho vật thiêng (Rồng Vàng), phường nhạc bát âm và phường trống, rồi đến một kiệu bát cống lớn, bên trong đặt một bình sứ, do tám nam thanh niên khoẻ mạnh khiêng. Họ mặc trang phục giống lính túc vệ nhà Đinh xưa với áo đỏ, vàng, tay áo cộc, cổ áo viền xanh có thêu họa tiết lối cổ, đầu chít khăn đỏ, vàng. Tiếp đến là những kiệu bát cống có tán, lọng, bên trong bày lễ vật, do các cô gái trẻ khiêng. Đi bên cạnh mỗi kiệu là một bô lão vận trang phục “thượng đẳng thần”. Tiếp theo là kiệu của người đóng vai Hoàng Đế. Đi cuối cùng là đoàn người bao gồm các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương với trang phục chỉnh tề, đủ màu sắc.

Khi đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long, bình sứ và lễ vật cùng được mang xuống thuyền để ra giữa sông lấy nước mang về đền Vua Đinh.

Sau lễ rước nước là đến lễ dâng hương. Khi đoàn rước về đến sân đền Vua Đinh, bình nước thiêng được chuyền tay nhau dâng lên thần linh để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi. Tiếp sau lễ dâng hương là lễ tế. Lễ tế được tổ chức cả ngày lẫn đêm, cùng lúc ở cả hai đền Vua Đinh và Vua Lê. Bài văn tế với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua được chia thành chín đoạn (cửu khúc). Mỗi khi chủ tế xướng xong một đoạn, thì ngay sau đó có hai người phường nhà trò (một nam - đàn; một nữ - hát) sẽ diễn giải lại nội dung đoạn văn tế đó bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, du khách vào điện thờ ở hai đền để dâng hương làm lễ cầu may và chiêm bái.

Bên cạnh phần lễ long trọng, trang nghiêm, phần hội cũng được tổ chức sôi nổi với nhiều tiết mục phong phú như: múa lân, múa rồng, thi "Người đẹp kinh đô Hoa Lư", cắm trại, xếp mâm ngũ quả tiến Vua, cờ người, viết thư pháp, chọi gà, múa kiếm, múa dao găm, đấu võ tay không đồng đội nữ, đấu bóng chuyền giải truyền thống cố đô Hoa Lư, đấu vật dân tộc, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, trưng bày triển lãm ảnh nghệ thuật,... Đặc biệt, trong phần hội còn có một tiết mục rất độc đáo, đó là “Tập trận cờ lau”. Đây là cuộc diễn xướng gợi nhớ về thời niên thiếu của Vua Đinh Tiên Hoàng (tức Đinh Bộ Lĩnh) khi cùng các bạn trẻ mục đồng tập đánh trận, lấy những bông lau để làm cờ.

Tại lễ hội năm nay, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hội ngộ "Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22". 


                                                                                                Thanh Hải (TTTTDL) biên tập