Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động trong Ngày Di sản văn hoá Việt Nam lần thứ 7. Theo đó, Ngày Di sản sẽ được tổ chức từ 21-23/11/2011 với chủ đề “Tuần văn hoá du lịch Di sản Bắc Trung bộ tại Hà Nội 2011”.
Đây là hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, thiết thực hướng tới sự kiện Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012; là hoạt động mở đầu trong công tác tuyên truyền, quảng bá chuỗi hoạt động được tổ chức xuyên suốt trong cả năm 2012 tại khu vực Bắc Trung Bộ. Các hoạt động được tổ chức với mục đích giúp đồng bào trong nước, bạn bè quốc tế hiểu thêm giá trị kho tàng Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ, thu hút khách du lịch quốc tế; thúc đẩy du lịch nội địa; khẳng định thế mạnh và tiềm năng của du lịch Việt Nam, đặc biệt là văn hoá, di sản vốn được xem là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Đây cũng là hoạt động xã hội sâu rộng, là trách nhiệm, tinh thần yêu nước, niềm tự hào của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ với Di sản văn hoá dân tộc; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2008-2013 và lấy ngày 23/11 hàng năm là “Ngày về nguồn”.
Vào 16h ngày 21/11/2011, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), Ngày Di sản văn hoá Việt Nam lần thứ 7 sẽ chính thức được khai mạc với sự tham gia của 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Ngày Di sản văn hoá Việt Nam lần thứ 7 - Ngày về nguồn 23/11/2011 sẽ bao gồm các hoạt động:
- Triển lãm với chủ đề “Ấn tượng Di sản văn hoá Bắc Trung Bộ Việt Nam” - giới thiệu về các di sản khu vực Bắc Trung Bộ. Bằng hình ảnh, hiện vật, ấn phẩm, tiếng động, bản đồ, bảng trích, bằng chứng nhận di sản thế giới, băng hình…, người xem sẽ hiểu thêm về những di sản văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ như: Di sản văn hoá thế giới Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam giao Tây đô (Thanh Hoá), Làng Sen - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nghệ An), Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh), Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, Quần thể di sản văn hoá thế giới Cố đô Huế…
Ngoài không gian trưng bày giới thiệu các di sản, triển lãm còn được bố trí không gian giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản vật nổi tiếng, văn hoá ẩm thực của khu vực Bắc Trung Bộ; không gian trưng bày sản phẩm văn hoá du lịch - giới thiệu tour du lịch nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt quảng bá nội dung chương trình Năm Du lịch Bắc Trung Bộ 2012 với chủ đề: “Hướng tới Năm du lịch Quốc gia - khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012”.
- Chương trình giao lưu văn nghệ và tìm hiểu di sản Bắc Trung Bộ với sự tham gia của nhiều trường đại học tại Hà Nội.
- Lễ hội làng nghề Sơn Đồng Hà Nội.
- Ngày văn hoá Bắc Trung Bộ.
- Đêm di sản văn hóa Bắc Trung Bộ tại Hà Nội năm 2011 hướng tới Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012, sẽ được truyền hình trực tiếp vào 20h ngày 23/11 trên kênh VTV2.
Trong khuôn khổ Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 7, Ban Tổ chức cũng dành một khu vực để giới thiệu những hình ảnh đẹp về vịnh Hạ Long và chuyển tải những thông tin về quá trình bầu chọn cho vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới trong thời gian vừa qua.
* Từ ngày 18 đến 23/11, tại 4 địa điểm của Hà Nội là: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), Trung tâm Thông tin Phố cổ (28 Hàng Buồm), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) và Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc), sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nhân dịp kỷ niệm 6 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2011). Tại 4 điểm này, sẽ diễn ra các hoạt động như: Văn hóa trà Việt, chương trình giới thiệu cách phục chế đồ đồng Đông Sơn, y phục cung đình của nghệ nhân Đoàn Giỏi; cách phục chế ảnh “cổng xưa” của họa sĩ, nhiếp ảnh gia Quách Đông Phương…