Ðảo Dáu, huyền thoại xưa và nay
Cập nhật: 04/10/2007
Du khách đến Ðồ Sơn, Hải Phòng, ít người biết là, cách bãi tắm phía đông nam chừng 800m có một hòn đảo nhỏ mang cái tên khá độc đáo: đảo Dáu.
Mặc cho tấp nập, ồn ào rất gần phía bên kia, đảo vẫn giữ vẻ nguyên sơ, tự nhiên. Người xưa tưởng tượng Ðồ Sơn có hình dáng như đầu rồng đang hướng về phía viên ngọc (đảo Dáu) và viên ngọc này đang là tâm điểm để khai thác tiềm năng du lịch của Ðồ Sơn.
Bãi biển thoải dài hơn 2.500m đầy cát mịn, có bề dày hơn 100 năm lịch sử, Ðồ Sơn là vùng biển nổi tiếng không chỉ của thành phố Hải Phòng mà còn của cả nước. Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ, Ðồ Sơn còn thu hút du khách bằng những di tích lịch sử, nét sinh hoạt văn hóa - lễ hội truyền thống mang đậm đặc trưng miền biển. Truyền thuyết kể rằng: Sau trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm, ngư dân câu đêm gặp một tử thi không đầu dạt vào đảo Dáu. Nhìn y phục biết là tướng nhà Trần tử trận, bà con vớt lên thành kính khói nhang chờ trời sáng mai táng. Nhưng khi mặt trời mọc, chỗ ông nằm mối đã đùn lên thành mộ, dân chài bèn lập đền để đèn nhang thờ phụng. Ngôi đền rất linh thiêng, người xưa mỗi lần đi qua đều phải hạ buồm vào đảo thắp hương tế lễ. Trong một dịp kinh lý ra Bắc, thuyền rồng của vua Tự Ðức gặp sóng to, gió lớn, vua bèn lên đền khấn vái, bỗng chốc trời quang mây tạnh. Vua Tự Ðức bèn phong ông làm Nam Hải thần vương. Hằng năm, trong ba ngày từ mồng 8 - 10 tháng hai (âm lịch) là diễn ra lễ hội đảo Dáu - lễ hội truyền thống của người đi biển vùng duyên hải Bắc Bộ. Ngư dân khắp nơi kéo về đảo Dáu cúng lễ, cầu xin Nam Hải thần vương cho một năm đi biển yên bình, đánh được nhiều tôm cá.
Ðền thờ Nam Hải thần vương nằm sát bờ biển, núp dưới những tán đa cổ thụ, nhỏ bé và đơn giản, nhưng sự thành kính bao trùm qua khói nhang nghi ngút quanh năm. Từ Bến Nghiêng, chưa đầy 10 phút đi thuyền máy, cùng những con sóng uốn lượn, du khách chỉ thoáng gặp cảm giác lâng lâng say sóng thì thuyền đã cập đảo. Cây đèn biển được mệnh danh là "mắt ngọc" của Tổ quốc như một pháo đài cổ vút lên giữa đảo, được xây năm 1892, cao 128m so với mặt biển và có tên trong hải đồ quốc tế, tầm chiếu xa 25 hải lý, theo chu kỳ hai chớp sáng nghỉ 4,2 giây.
Ðảo Dáu không có dân ở, chỉ có các cán bộ canh giữ đèn biển và mấy bà thủ từ tự nguyện ra đảo trông coi, thờ phụng thần Nam Hải. Tương truyền, Nam Hải thần vương rất linh thiêng, không ai được lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả cành củi khô, nếu không sẽ bị trừng phạt. Chính vì thế, cánh rừng nguyên sinh mới còn lại nguyên vẹn, mặc dù sát nơi tấp nập thị thành. Nếu về Ðồ Sơn, không được thả hồn, thả bước chân theo con đường dốc thoai thoải, đi dưới "mái nhà" lợp bằng những tán cổ thụ và dây leo chằng chịt của khu rừng nguyên sinh, có lẽ sự thi vị của du khách sẽ bị giảm đi nhiều lắm.
Cách đây gần ba năm, Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dáu đã bắt đầu thực hiện dự án lấn biển với mục tiêu xác lập hình ảnh mới cho ngành du lịch thành phố Hải Phòng: tôn tạo và gìn giữ những giá trị truyền thống, phục hồi các lễ hội, sinh hoạt đặc trưng miền biển; khai thác tốt tài nguyên du lịch biển, chú trọng bảo vệ cảnh quan rừng nguyên sinh. Dự án có quy mô 108ha, nguồn vốn đầu tư hơn 100 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2013.
Theo ông Bùi Quang Khả, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dáu cho biết: Ý tưởng của Công ty là tận dụng triệt để mọi thế mạnh sẵn có của Ðồ Sơn: từ sóng, gió, nước đến rừng, núi, đảo để hình thành một khu du lịch biển, sinh thái. Ðảo Dáu trong tương lai sẽ được mở rộng ra biển 24ha nữa, gấp gần ba lần diện tích đảo hiện nay để tiếp tục trồng rừng. Phía bờ bên này sẽ được lấn ra chừng hơn 40ha, xây dựng liên hoàn một trung tâm hội nghị, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí thông qua các hoạt động tắm biển, công viên biển, thế giới nước, câu cá, lặn biển, nhảy dù...
Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu tuy chưa hoàn thành nhưng đã đón hai sự kiện văn hóa đặc sắc: tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế và cuộc thi Hoa hậu miền biển. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp đứng ra tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật. Với tên gọi nên thơ "Ðồ Sơn - cảm xúc biển", trại điêu khắc đã thu hút 40 nhà điêu khắc tên tuổi trong nước và nước ngoài đến từ các nước như: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ðức, Iran.... sáng tác những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ấn tượng. Các tác phẩm được trưng bày thành "vườn tượng" tại Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu.
Trên thế giới, chuyện "lấn biển" không còn xa lạ, nhiều công trình lấn biển đã trở thành điểm tham quan, du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách.
Theo xu thế đó, hy vọng mai đây, một khu du lịch đẳng cấp quốc tế, hiện đại mà vẫn vẹn nguyên nét hoang sơ của thiên nhiên bao la sẽ là điểm nhấn thu hút khách đến Ðồ Sơn.
Báo Nhân Dân
|
|
|