Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam
Cập nhật: 06/03/2012
Sáng 5/3, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL và Văn phòng UNESCO phối hợp tổ chức buổi đối thoại với chủ đề “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam” với sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông.

Đây là sự kiện mở đầu cho “Tuần lễ văn hóa và phát triển” do UNESCO tổ chức lần đầu tiên ở nước ta nhằm đưa ra một cái nhìn đa diện về việc bảo tồn và phát huy văn hóa từ phương diện của UNESCO, Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), Hội Di sản văn hóa Việt Nam; đồng thời chia sẻ những quan điểm, cách nhìn mới mẻ và các đề xuất biện pháp cụ thể cho việc bảo tồn, phát huy vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững ở Việt Nam.  

Phát biểu trước khi diễn ra cuộc đối thoại, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định: Mối quan hệ đối tác đa ngành, đặc biệt là quan hệ với các đối tác tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc bảo tồn văn hóa là rất quan trọng. Điều này không chỉ là sự lựa chọn mà là sự hợp tác cần thiết phải có. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của giới truyền thông trong việc thúc đẩy sự chung tay của công chúng, các tổ chức tư nhân cùng chúng tôi hỗ trợ Việt Nam cũng như là một mạng lưới đối tác trên toàn thế giới.  

Tại buổi đối thoại, các đại biểu cho rằng: Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa chính là sự góp sức, chung tay của các đơn vị quản lý nhà nước, các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Việc thúc đẩy văn hóa trong công cuộc phát triển không chỉ là yếu tố cần thiết để giải quyết những thách thức hiện hữu ở Việt Nam, mà còn đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc của cộng đồng, đồng thời, cần có sự nghiên cứu và định hướng chỉ đạo cũng như kinh nghiệm quốc tế của UNESCO để tham khảo và áp dụng cho việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.  

Các đại biểu cũng nhấn mạnh: Văn hóa không chỉ là quá trình phát triển, mà còn là công cụ phục vụ cho quá trình phát triển. Sự phát triển đó bắt nguồn từ văn hóa mới bảo đảm sự hài hòa và bền vững. Đặc biệt, có nhiều ý kiến cho rằng hợp tác với khu vực tư nhân, trong việc hỗ trợ bảo tồn phát huy văn hóa và di sản văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới sẽ không chỉ là một sự lựa chọn mà còn là thiết yếu. Nhiều năm qua, những đóng góp của khu vực tư nhân vào các hoạt động của UNESCO đã tăng lên đáng kể. Trong tương lai cần có những quy định, cách làm cụ thể nhằm đưa khu vực tư nhân trở thành một trong những tác nhân chính trong sự phát triển bền vững về văn hóa (khu vực tư nhân ở đây gồm: các quỹ, các loại hình doanh nghiệp thuộc tất cả các ngành và các địa phương, các nhà đầu tư, các hội doanh nghiệp và nghề nghiệp...).

Văn phòng Bộ VHTTDL