Teambuilding - loại hình trò chơi, nằm trong gói tham quan của các công ty lữ hành đang trở thành xu hướng du lịch của hầu hết công ty, doanh nghiệp…
Các doanh nghiệp chọn teambulding nhằm hướng đến mục tiêu kết hợp giữa tham quan và tạo dựng tinh thần đồng đội, hiệu quả tốt hơn trong kinh doanh từ những hoạt động trong chuyến đi, như các thành viên sẽ gắn kết chặt chẽ, hiểu hơn về quy mô, sứ mệnh và trách nhiệm khi tham gia các trò chơi có định hướng do doanh nghiệp hoặc nhà tổ chức xây dựng nên. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty du lịch phải thăm dò để đưa ra ý tưởng, lên kịch bản chi tiết. Đơn vị tổ chức tour phải nắm bắt tâm lý của khách để đưa ra những chương trình hợp gu cho từng phòng trong công ty, chẳng hạn phòng kỹ thuật thích những trò chơi, hoạt động mang tính thể thao; phòng marketing lại thích tiếp xúc, trao đổi với các đại lý, người bán hàng tại các địa phương để tìm hiểu sản phẩm...
Trước làn sóng du lịch nhóm hiện nay, các công ty du lịch phát triển mạnh tour này phải kể đến như Vietravel, Saigontourist, Vitour, Vietmark... Năm 2011, Saigontourist phục vụ hơn 200.000 du khách quốc tế (tăng hơn 60% so với năm 2010) với các chương trình du lịch thuần túy và du lịch kết hợp hội nghị, teambuilding. 4 năm qua khách tham gia tour MICE kết hợp teambuilding tại Vietravel tăng 30 - 40%. Theo thống kê của Vietravel, có đến 90% công ty, tập đoàn có nhu cầu tổ chức teambuilding trong tour nhằm mục tiêu tạo không khí sôi động, sự chia sẻ và gắn bó chặt chẽ hơn giữa nhân viên, đặc biệt là những công ty có quy mô lớn, có nhiều chi nhánh và các tập đoàn đa quốc gia. Hiệu quả sau chuyến đi được các công ty đánh giá rất tốt. Năm nay dự kiến mức tăng trưởng loại hình tour teambuilding của Vietravel tăng khoảng 30% so với cùng kỳ.
Trưởng phòng truyền thông Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho biết, teambuilding được chia theo tính đặc thù của từng nhóm doanh nghiệp, mức độ khó, dễ khác nhau và ý nghĩa của từng câu chuyện, doanh nghiệp phải làm cho du khách hài lòng về ý tưởng, các hình thức tổ chức, đảm bảo thời gian, kinh phí, đặc biệt là thể hiện ý nghĩa mà công ty muốn gửi gắm đến cán bộ - nhân viên. Khó khăn hiện nay đối với việc tổ chức tour teambulding là đầu tư sáng tạo hệ thống sản phẩm phù hợp với từng nhu cầu. Bên cạnh đó, việc tổ chức cần phải được giám sát chặt chẽ từ ý tưởng, triển khai và thực hiện. Thành công của sự kiện không những tạo được uy tín cho doanh nghiệp lữ hành mà còn cho cả công ty, tập đoàn tổ chức sự kiện trên.
Do teambuilding là loại hình trò chơi nằm trong gói tham quan của các công ty lữ hành, vì vậy không có chi phí cụ thể, tùy vào tính chất của chương trình dễ hay khó, đơn giản hay phức tạp, vật dụng, ý tưởng mà chi phí sẽ khác nhau. Đối với điều kiện địa hình khá phong phú như Việt Nam, công ty lữ hành thỏa sức sáng tạo và phát triển loại hình tour kết hợp trò chơi xây dựng tinh thần đồng đội. Bên cạnh đó, tour này đang có xu hướng tổ chức ở nước ngoài, trong các hội nghị khách hàng, tổng kết, khen thưởng nhân viên của tập đoàn.
Mới đây, Thái Lan và Việt Nam đã bắt tay hợp tác phát triển du lịch MICE, sự kiện này được xem là cơ hội để du lịch Việt Nam khai thác và phát triển tiềm năng về loại hình du lịch hội nghị, khen thưởng kết hợp với teambuilding. Biên bản ký kết tập trung vào phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và kinh tế thông qua lĩnh vực triển lãm, hội nghị, hội thảo, thi đua, khen thưởng, góp phần phát triển du lịch MICE ở cả hai quốc gia, qua đó sẽ làm tăng thị phần của Việt Nam tại Thái Lan tới 30% và giá trị 2,5 triệu USD, bởi ngành công nghiệp MICE Thái Lan có mức tăng trưởng trung bình khá cao, từ 15 - 20%, tạo ra gần 58 tỷ bath năm 2011.
Theo thống kê, trong tổng số khách MICE, teambuilding hiện nay, tỷ lệ khách quốc tế chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là khách Việt Nam tham gia các tour MICE trong nước và nước ngoài.