Vào lúc 19h30’ ngày 27/4/2012, tại sân vận
động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ công bố vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên
nhiên mới của thế giới do Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Nhà
hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, khu Liên hiệp thể thao quốc gia Mỹ Đình và các
đơn vị liên quan tổ chức.
Theo kịch bản, chương trình Lễ công bố được chia làm hai phần. Phần lễ gồm
các nghi thức công bố và đón nhận danh hiệu kỳ quan. Phần hội là chương trình
nghệ thuật hoành tráng gồm ba chương sẽ đưa người xem đến với không gian huyền
hoặc của vịnh Hạ Long thông qua kỹ thuật ánh sáng, nghệ thuật điện ảnh và các
giai điệu, vũ điệu do hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, vận động viên biểu
diễn.
Chương I có chủ đề “Thiên đường Hạ Long” được mở đầu với hình ảnh tái
hiện hòn Trống Mái thu nhỏ theo tỉ lệ 1:1, chiều cao 12m, chiều ngang khoảng 8m
ở cuối sân khấu; hòn Ấm, hòn Bút, hòn Ngón Tay, hòn Chó Đá ở bên trái sân khấu
và đảo Ti-tốp, hòn Đũa, hòn Xếp, hòn Con Cóc ở bên phải sân khấu. Bên cạnh đó,
còn có một đường băng dài 22m, rộng hơn 2m, trải thảm đỏ với lan can nhằm tái
hiện khung cảnh cầu tàu du lịch ở vịnh Hạ Long. Trong khung cảnh vịnh Hạ Long
thu nhỏ này, khán giả sẽ có dịp thưởng thức các tiết mục múa, hát tái hiện
truyền thuyết về vịnh Hạ Long, từ lúc Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn
Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc cho đến khi giặc tan, Rồng Mẹ
và Rồng Con không trở về trời mà xin ở lại. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ
Long, Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là
Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay). Khán giả còn thấy được khung cảnh nhộn
nhịp của tàu thuyền đi lại trên biển qua những mô hình tàu, thuyền được tái
hiện trên sân khấu và đặc biệt sẽ có những giây phút lắng đọng để cảm nhận về
thuyền và biển Hạ Long thông qua ca khúc: Chèo thuyền trên Hạ Long, thiên
đường Hạ Long hay tiết mục hòa tấu Thuyền và Biển do nghệ sĩ violon Bùi
Công Duy cùng dàn nhạc gồm 12 violon và 12 đàn nhị thể hiện.
Khép lại chương I, chương II với chủ đề “Việt Nam – Đất nước của những
di sản thế giới” sẽ đưa khán giả khám phá các di sản của Việt Nam đã được
UNESCO công nhận bao gồm: vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn Quốc gia Phong Nha -
Kẻ Bàng (Quảng Bình), khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành
nhà Hồ (Thanh Hóa), quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên-Huế), đô thị cổ Hội
An (Quảng Nam), khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), quan họ (Bắc Ninh), ca trù,
hát Xoan (Phú Thọ), hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội), không gian
văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, bia tiến
sĩ Văn Miếu (Hà Nội), mộc bản triều Nguyễn.
Kết thúc chương II, chương III mang chủ đề “Hạ Long - Việt Nam - Kỳ quan
thiên nhiên mới của thế giới” bao gồm hàng loạt các tiết mục múa, hát ca ngợi
biển, vịnh Hạ Long như: hát múa tấm thảm xanh trên sóng, biển hát
chiều nay, hò biển, Hạ Long biển nhớ, Hạ Long xanh và 6 tiết
mục nghệ thuật mang đặc trưng văn hóa truyền thống của các nước có danh thắng
được công nhận trong dịp này (rừng Amazon - Peru, Thác nước Iguazu – Argentina
và Brazil, Đảo Jeju - Hàn Quốc, Công viên Quốc gia Komodo - Indonesia, Dòng
sông ngầm Puerto Princesa - Philippines và Núi Bàn - Nam Phi) nhằm giúp khán
giả có cái nhìn toàn diện về vẻ đẹp của những danh thắng vừa được công nhận là
kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Khép lại toàn bộ chương trình lễ hội hấp dẫn, đầy cảm xúc là cam kết của
tỉnh Quảng Ninh sẽ kết hợp tốt giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản với
phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững sau khi
vịnh Hạ Long chính thức nhận danh hiệu quý báu.
Thanh Hải (TTTTDL) biên tập