Nói đến Hội An (Quảng Nam) là ta nghĩ ngay đến một thương cảng sầm uất của Đàng Trong vào thế kỷ thứ 16 - 17 như Phố Hiến (Hưng Yên) của Đàng Ngoài: Người ta vẫn thường nói "Nhất kinh kỳ, nhì phố Hiến" là vậy. Đồng thời, nói đến Hội An là nói đến một nơi sớm có mặt của thương nhân và người dân Nhật Bản, Hoa Kiều, Ấn Độ.
Người nước ngoài, nhất là Hoa Kiều vào Hội An tất nhiên mang theo những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa ẩm thực và tạo ra sự đan xen giữa nền văn hóa Việt và nền văn hóa Trung Hoa. Trải qua bao đời, hai dân tộc đã sáng tạo ra nhiều món ăn và thức uống độc đáo. Nếu chỉ điểm về bánh cũng đã có: bánh ủ tro, bánh ít lá gai, bánh in; món ăn thì có: lục tàu xá, cao lầu... và chè thì có chè bắp, chè đậu, chế mà phù,...
Bao đời nay ở Hội An, người dân nơi đây đã quen với món chè chế mà phù (xí mà phù) của người Hoa. Chè chế mà phù còn được gọi là chè mè đen; bởi nguyên liệu làm nên món này là vừng đen. Tuy nhiên, để có món chè đạt tiêu chuẩn thì phải có bí quyết gia truyền và sự tận tâm của người chế biến.
Từ thế kỷ trước đến nay có chè chế mà của cụ già người Hoa tên là Ngô Hiếu (Thiếu). Sở dĩ có hai cách gọi là Hiếu (Thiếu) vì chính cụ phát âm tên mình theo tiếng Việt cũng không rõ. Cụ sinh năm 1920, sang Hội An khi mới 15 tuổi. Chè chế mà phù của cụ Hiếu trở nên thân quen và không thể thiếu ở Hội An. Gánh chè chế mà của cụ chỉ đúng 100 chén nhỏ. Chè của cụ có nét độc đáo riêng, không giống chế mà phù ở Hà Nội xưa và Sài Gòn nay, bởi chè được nấu bằng đường cát trắng loại hảo hạng bậc nhất, nước nấu chè là nước giếng trong vắt và được nấu bằng than hầm. Ngoài ra, sở dĩ món chè của cụ Hiếu ngon là bởi cụ có bí quyết riêng, đó là cách pha chế thêm thục địa; vì thế, chè của cụ mỗi khi mang ra bán là người dân xúm xít lại cùng nhau thưởng thức. Nếu chè được mua mang về, cụ sẽ cho chè vào bao nilông và buộc bằng sợi dây cói mảnh, dai và có mùi thơm nhẹ nhàng. Hình như sợi dây ấy cũng góp phần làm tăng thêm giá trị của chè.
Nếu có dịp đến Hội An, mời du khách dừng chân thưởng thức món chè chế mà phù của cụ Hiếu dọc đường Nguyễn Trường Tộ và phố nhà thờ Hội An.