Thanh Hóa tích cực quảng bá di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ
Cập nhật: 19/06/2012
Tối 16/6/2012, Khu di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc – tỉnh Thanh Hóa) đã chính thức đón nhận Bằng công nhận di sản văn hóa thế giới do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng. Để hưởng ứng sự kiện này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động chào mừng và giới thiệu, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch xứ Thanh tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Tác phẩm "Di sản thế giới Thành nhà Hồ" (tác giả Hoàng Cao Đại) trong cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa
Nổi bật trong chuỗi các hoạt động chào mừng là những sự kiện thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa mà cha ông để lại; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo, nổi bật toàn cầu của Thành nhà Hồ như: hội thảo “Giải pháp phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ”; Liên hoan đàn và hát dân ca khu vực di sản Thành nhà Hồ; Liên hoan nghệ thuật quần chúng “Câu hò nối những dòng sông” các tỉnh Bắc Trung bộ; triển lãm sách báo, tranh ảnh về Thành nhà Hồ - Hồ Quý Ly và Vương triều Hồ; triển lãm tranh cổ động “Thanh Hóa - Ấn tượng một miền di sản”; triển lãm ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc Thành nhà Hồ”; Liên hoan các chương trình nghệ thuật dân gian và thi “Thiếu nữ đẹp trong trang phục dân tộc”; xuất bản cuốn sách “Thành nhà Hồ - Di tích và danh thắng” của tác giả Lê Khắc Tuế... Đặc biệt là cuộc thi ảnh nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa với chủ đề “Khoảnh khắc Thành nhà Hồ” nhằm chọn ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật đặc sắc phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa di sản tỉnh Thanh Hóa nói chung và di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ nói riêng. Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 195 tác phẩm ảnh dự thi của 40 tác giả trong và ngoài tỉnh. Các tác phẩm dự thi đã thể hiện khá đa dạng vẻ đẹp của di sản Thành nhà Hồ, các di tích phụ cận, các lễ hội cũng như đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Ban Giám khảo đã chọn được 78 bức ảnh trưng bày triển lãm, trong đó có 12 tác phẩm đoạt giải thưởng.  

                  Đặc sản bánh đa làng Bồng
Cùng với các hoạt động chào mừng di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa cũng đã tổ chức nhiều sự kiện đặc sắc nhằm quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh, trong đó tiêu biểu là chương trình “Hội chợ quê” với chủ đề “Hương vị xứ Thanh” diễn ra vào sáng ngày 15/6 tại sân vận động huyện Vĩnh Lộc, thu hút sự tham gia của gần 100 gian hàng đến từ các huyện, thị xã trong tỉnh. Các gian hàng đã trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng nhất của các địa phương như: cơm lam, ốc núi (huyện Quan Hóa), chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ (huyện Thọ Xuân), gỏi nhệch (huyện Nga Sơn…), trống đồng (huyện Quảng Xương), bộ đồ thờ và tượng đồng (huyện Thiệu Hóa)… Ngoài ra, hội chợ còn có sự tham gia trưng bày của các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh...  

Kéo dài đến hết ngày 16/6, “Hội chợ quê” là dịp để các địa phương trong tỉnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch đến bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch Thanh Hóa giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.    

Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14
Bên cạnh đó, tối ngày 15/6, tại huyện Vĩnh Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình “Liên hoan Văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ 14” với chủ đề “Tỏa sáng một miền di sản” nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh; đồng thời quảng bá vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh đến du khách trong nước và quốc tế. Các tiết mục biểu diễn tại liên hoan như: múa đèn (huyện Đông Sơn), hát Tú Huần (huyện Quảng Xương), trò Xuân Phả (huyện Thọ Xuân)… đã mang đến cho du khách cái nhìn đa chiều, đa diện về tiềm năng văn hóa, du lịch xứ Thanh. Liên hoan cũng là dịp để đồng bào các dân tộc trong tỉnh gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.  

Ngoài ra, sáng 17/6, Hội Di sản văn hóa Lam Kinh cũng đã tổ chức Lễ chập lò đúc 100 trống đồng theo phương pháp truyền thống do các nghệ nhân làng đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá) thực hiện. 100 chiếc trống đồng lấy nguyên mẫu từ trống đồng Ngọc Lũ tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ sẽ được tỉnh Thanh Hóa trao tặng cho các khu di tích, bảo tàng của 3 miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 1 chiếc trống đồng tặng cho huyện đảo Trường Sa, trên thân trống đúc câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.  

Việc Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới không chỉ là niềm vui, niềm tự hào của người dân Thanh Hóa mà còn của nhân dân cả nước. Tỉnh Thanh Hóa đang từng bước bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, quảng bá di tích nhằm phục vụ du khách đến tham quan, nghiên cứu; đồng thời thực hiện cam kết về việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị to lớn của di sản này.  

Bài: Phạm Phương (TTTTDL); Ảnh: Báo Thanh Hóa