Phối hợp đưa du khách từ Việt Nam sang Lào
Cập nhật: 31/07/2012
Trong những năm qua, việc hợp tác du lịch Việt – Lào đã có những bước phát triển vượt bậc thông qua các chương trình du lịch liên kết giữa hai nước với các quốc gia trên Hành lang Kinh tế Đông Tây.

Đối với nguồn khách du lịch từ Việt Nam, Lào đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn mới với sự quyến rũ về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, văn hóa bản địa đặc sắc.

Phong phú sản phẩm du lịch Việt-Lào
 

Đường bay Lào-Đà Nẵng góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch giữa hai bên

Ngày càng có nhiều du khách Việt Nam đi du lịch Lào, Lào-Thái Lan, Lào-Thái Lan-Campuchia bằng đường bộ, bên cạnh nguồn khách từ các nước thứ ba (châu Âu, Úc, Mỹ...) và khách nằm trên đường Xuyên Á, Hành lang Kinh tế Đông Tây. Vì vậy, các hãng lữ hành Việt Nam và Đà Nẵng đã đưa ra nhiều tuyến sản phẩm rất phong phú và hình thức khai thác đa dạng, nhất là tuyến du lịch đến Lào, gồm có Nam Lào (Savannakhet – Champasak), Trung Lào (Savannakhet – Viên Chăn), Bắc Lào (Viên Chăn – Vang Viêng – Luang Prabang – Xiêng Khoảng).

Các công ty có thể khai thác cả loại hình khách đường bộ thuần túy, khách đi bằng xe tự lái (caravan) và máy bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Champasak – Viên Chăn, từ Đà Nẵng đến Savannakhet sẽ khai thác từ tháng 12/2012, từ Hà Nội đến Viên Chăn - Luang Prabang.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng trong nhiều năm qua cũng tổ chức nhiều đoàn khảo sát, hội thảo và hội chợ xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng tại Lào.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực được nâng cấp và hoàn thiện với việc khai trương cầu Hữu Nghị II nối Mukdahan với Savannakhet, cầu Hữu Nghị 3 nối tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan và Thà Khẹt Lào đã góp phần thúc đẩy lượng khách từ Việt sang Lào. Khu vực Lào – Đông Bắc Thái Lan theo đường 7, 8, 9, 12, 14 qua các cửa khẩu miền Trung được đánh giá là khu vực rất ổn định về an ninh-chính trị-xã hội, vùng đất có nhiều kiều bào Việt Nam sinh sống, làm ăn và còn lưu giữ đậm nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây cũng chính là điểm đến mới đối với du khách.

Chính vì tiềm năng đó, từ năm 2005, Công ty CP du lịch Việt Nam - Vitours, một trong những đơn vị dẫn đầu trong khai thác khách Việt đi Lào tại miền Trung, đã đầu tư rất lớn cho tour đường bộ đến Lào-Thái Lan, xác định tuyến đường chiến lược qua các cửa khẩu miền Trung với nhiều sản phẩm đường bộ thuần túy và caravan. “Chúng tôi hình thành các nhóm liên kết bán vé tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, khai thác khách từ Thái Lan, Myanmar, Trung Quốc, Singapore, Malaysia... và khách du lịch đường máy bay, một nguồn khách chính trong các kế hoạch xúc tiến “3 quốc gia 1 điểm đến” (Việt Nam, Lào, Campuchia) hay “4 quốc gia 1 điểm đến” (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), trong đó sử dụng mạng đường bay rất thuận tiện của Vietnam Airlines”, ông Cao Trí Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vitours chia sẻ.

Liên kết xúc tiến và bán sản phẩm

Tuy nhiên, theo những doanh nghiệp chuyên khai thác thị trường du khách đi Lào, để liên kết phát triển du lịch giữa hai nước và giữa Đà Nẵng với Lào trong tương lai, Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải hai nước cần nhanh chóng có những quy định nhất quán về việc phương tiện vận chuyển đón khách và lưu hành trên lãnh thổ của nhau; cho phép xe Việt Nam được đón khách tại Lào, cũng như xe Lào đã được đón khách tại Việt Nam. Ngoài ra, việc giảm và tiến tới bỏ hẳn các loại phí cửa khẩu cho khách du lịch qua lại các cửa khẩu đường bộ; hạn chế việc thu phí trên các phương tiện vận chuyển; tiến hành một quy trình xuất nhập cảnh đơn giản, nhanh chóng cho các đoàn khách du lịch... là những giải pháp thúc đẩy lượng khách có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, liên kết xúc tiến là một hoạt động quan trọng không kém. “Cơ quan xúc tiến du lịch cả 2 nước cần phối hợp với Vietnam Airlines lên kế hoạch xúc tiến mạnh mẽ vào các thị trường châu Âu, Úc, Đông Bắc Á cho chương trình “3 quốc gia 1 điểm đến” và “4 quốc gia 1 điểm đến” trên cơ sở các sản phẩm có lợi thế, các sản phẩm caravan..., biến Việt Nam thành trung tâm khởi hành khách du lịch đến Lào”, ông Dũng đề nghị. Theo đó, Tổng cục Du lịch 2 nước, các công ty lữ hành, các đơn vị cung ứng dịch vụ cần triển khai các hoạt động xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa thông qua các hội chợ, hội nghị, road show, quảng cáo trên báo chí, truyền hình... Sự liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong công tác xúc tiến sẽ tiết kiệm được chi phí, giới thiệu được thế mạnh của từng địa phương, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của Lào. Ông Bảo Duy Linh, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Vietravel tại Đà Nẵng thì cho rằng, các công ty lữ hành Việt Nam, Lào, mở rộng thêm Thái Lan và Campuchia phối hợp với các Sở Du lịch và các đơn vị cung ứng dịch vụ nên tạo thành nhóm các đơn vị chuyên phục vụ cho khách du lịch khu vực này, qua đó nâng cao chất lượng và tính ổn định trong phục vụ khách.

Báo Đà Nẵng