Đồng Nai đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái
Cập nhật: 02/08/2012
Nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác du lịch ở TP.HCM cho biết, du lịch sinh thái ở Đồng Nai vẫn còn dạng tiềm năng và cần phải đa dạng các loại sản phẩm để thu hút khách.

Theo bà Võ Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng Nai cho biết, các điều kiện của Đồng Nai khá thuận lợi để phát triển du lịch. Theo đó, Đồng Nai thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ phía đông của TP.HCM. Hiện nay, giao thông đến Đồng Nai và đi các địa phương khác khá thuận lợi: QL 1A, 20, 51, 56, đường sắt Bắc – Nam. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đang đầu tư mở rộng QL 51, đường tránh TP. Biên Hòa và xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong tương lai, sân bay quốc tế Long Thành đã được Chính phủ phê duyệt, dự kiến khởi công xây dựng trước năm 2015 là một động lực cho Đồng Nai phát triển du lịch.

 

Theo số liệu của Sở VHTTDL Đồng Nai, năm 2011, tỉnh đã đón gần 3 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế gần 6.000 lượt, tổng thu nhập du lịch gần 500 tỷ đồng. Theo một cuộc khảo sát của Sở VHTTDL Đồng Nai, có gần 60% khách du lịch muốn thăm cảnh rừng, xem suối thác, thú rừng; trên 32% chọn thăm cảnh sông, tắm sông và các khu vườn trái cây; có gần 20% số khách muốn thăm các di tích lịch sử, nhà cổ, vãn cảnh chùa; gần 8% chọn thăm làng dân tộc… Từ đây, có thể thấy được, nhu cầu về du lịch sinh thái, sông nước đến Đồng Nai rất lớn.

Bên cạnh đó, tiềm năng về những loại hình này ở Đồng Nai không thiếu. Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đồng Nai cho biết, Đồng Nai có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như: Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, 46 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được xếp hạng (bao gồm 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 19 di tích xếp hạng cấp tỉnh) như: núi Chứa Chan – chùa Gia Lào, căn cứ TW Cục miền Nam, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (chiến khu Đ), địa đạo Suối Linh và nhiều danh thắng nổi tiếng như: đền thờ Rừng Sác Nhơn Trạch, khu du lịch Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên… Đồng thời, với vị trí thuận lợi về hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, đặc biệt tới đây khi sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói chung và hoạt động du lịch Đồng Nai nói riêng trong giai đoạn tới.

Tăng thêm sản phẩm du lịch

 

   Khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai (Ảnh: Internet)

Theo nhiều DN du lịch TP.HCM thì những điểm như căn cứ TW Cục miền Nam, khu ủy miền Đông… ở Đồng Nai đang là tâm điểm để khai thác du lịch sinh thái rừng. Việc khai thác du lịch sinh thái cũng đã được địa phương quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao. Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc khu Bảo tồn thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là KBT ĐN) cho biết, thời gian qua, KBT ĐN đã định hình một số tour: tham quan căn cứ khu ủy miền Đông – căn cứ TW Cục miền Nam; Trung tâm khu ủy miền Đông – làng dân tộc Chơro – Vườn Quốc gia Cát Tiên; xem thú ban đêm tại Bàu Sắn, Trảng Min, Trảng Chim… tại TW Cục miền Nam, hồ Bà Hào… và bước đầu đã xây dựng và hình thành tuyến du lịch TP.HCM – Biên Hòa – KBT ĐN. Ngoài các điểm du lịch truyền thống, KBT ĐN đã đầu tư khai thác một số tuyến điểm mới, phù hợp với hướng phát triển các tuyến điểm sinh thái tự nhiên. Vì thế, trong những năm qua, lượng khách đến tham quan tại đây đã tăng lên đáng kể: Năm 2009, đã có 8.000 lượt khách, đến năm 2011 đón gần 14.000 lượt. Trong kỳ họp thứ 4 của HĐND tỉnh Đồng Nai đã có Nghị quyết thông qua Đề án phát triển KBT ĐN giai đoạn 2012 – 2020 với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Điều này hứa hẹn bản đồ du lịch Việt Nam sẽ có một điểm du lịch sinh thái đẹp và nhiều ý nghĩa ở Đồng Nai.

 

Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho biết, “lượng khách đến tham quan như hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng vốn có”.

Để thu hút khách đến với loại hình du lịch này ở Đồng Nai, ông Lại Nguyễn Dũng, Phó Trưởng phòng Du lịch nội địa, Công ty Cổ phần Du lịch Thanh niên Xung Phong, TP.HCM cho rằng, hiện nay Du lịch tại Đồng Nai nói chung và KBT ĐN đang thiếu dịch vụ du lịch hấp dẫn. Điển hình là thiếu các cửa hàng lưu niệm, thiếu môi trường để sinh hoạt với môi trường rừng và văn hóa các dân tộc bản địa... Nếu du khách quốc tế đến với KBT ĐN thì không biết mua cái gì để mang về và chuyến du lịch cũng chưa ấn tượng lắm!.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chia sẻ, đoạn đường rừng (khoảng 15km) vào khu Căn cứ TW Cục miền Nam và khu ủy miền Đông là đất đỏ, xe lớn rất khó đi, nhất là vào mùa mưa, lại có nhiều cầu yếu, chỉ quy định cho xe 5 tấn lưu thông… Đó là những hạn chế để các DN đưa khách đến đây. Để khắc phục những hạn chế này, nên đầu tư các loại xe Jeep (hay u oát) cho khách thuê sẽ tốt hơn, vừa khắc phục khó khăn trong giao thông vừa tăng sự hấp dẫn cho du khách.

Cũng theo ông Dũng, nên có thêm nhiều dịch vụ khác để khai thác hoạt động du lịch team building. Bởi, sau khi tham quan các di tích, các du khách có thể tham gia các trò chơi nhằm tạo thêm niềm hứng thú. Điều này là khả thi, vì chúng ta có thể lợi dụng lợi thế rừng và hiện nay có rất nhiều bãi đất trống tại các khu căn cứ này.

Còn TS. Nguyễn Đức Trí, Trưởng bộ môn Du lịch, Khoa Thương mại – Du lịch, trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì cho rằng, ở Đồng Nai có dân tộc Chơro sinh sống khá tập trung. Nên chăng là hình thành một khu làng dân tộc với nhiều yếu tố độc đáo của họ để đưa vào khai thác du lịch. Tuy nhiên, để làm việc này cũng cần phải tính đến việc phát triển du lịch và bảo tồn các yếu tố dân tộc của họ. Nghĩa là làm sao cho người dân tộc vừa có thu nhập từ hoạt động du lịch vừa giữ gìn được bản sắc của họ.

Nói về việc khai thác du lịch sinh thái ở Đồng Nai, ông Nguyễn Tấn Công, Công ty Du lịch Saigontourist lại cho rằng, việc khai thác du lịch sinh thái rừng ở Đồng Nai còn khá đơn sơ. Do đó, cần phải định hình được các đặc trưng để thu hút khách hơn. Ví như, nên chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết để cho du khách có thể đi rừng như: quần áo chuyên dụng, thuốc chống muỗi, đèn… để khi du khách đến sẽ không phải mang thứ gì. Và nên lấy những đồ đạc này làm quà lưu niệm để bán cho du khách, sẽ thu hút hơn. Với những lợi thế về thiên nhiên, bản sắc văn hóa của dân tộc bản địa và các di tích, danh thắng…, tỉnh Đồng Nai cần quan tâm nhiều hơn trong việc xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng, liên kết đội ngũ quản lý, hoạt động thu hút và tạo ra nhiều dịch vụ tích cực phục vụ du khách nhất là sản phẩm quà lưu niệm. Với những bứt phá như thế, thì ngành Du lịch Đồng Nai mới có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và sản phẩm du lịch mới có điều kiện phát triển nhanh và đa dạng hơn nữa.

Baodulich.net.vn