Thêm 9 di tích được công nhận là di tích quốc gia
Cập nhật: 16/08/2012
(TITC) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra các quyết định xếp hạng thêm 9 di tích trên cả nước là di tích quốc gia, bao gồm: khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), bãi cọc Đồng Má Ngựa (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), nhà thờ họ Phạm (xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), núi Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), đền thờ Phan Cảnh Quang (thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), đền Cả (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh (xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), chùa Ba Si (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) và chùa Bảo Lâm (xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Nguồn ảnh: Internet

Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công tọa lạc trên một khuôn viên rộng khoảng 2ha, giữa vườn cây xanh mướt, bao gồm hai khu: nhà lưu niệm và nhà trưng bày.

Nhà lưu niệm có diện tích 7.989m², được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống “tiền khách hậu tự”. Trong nhà lưu giữ những hiện vật liên quan đến gia đình đồng chí Võ Chí Công (1912-2011) như: chiếc rương gỗ, bộ ván nằm (phản) bằng gỗ mít, những tấm ảnh về gia đình đồng chí cùng những hình ảnh, hiện vật mà các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh gửi tặng nhân dịp khánh thành nhà lưu niệm.

Nằm vuông góc với nhà lưu niệm là nhà trưng bày gồm 3 gian. Tại đây trưng bày khoảng 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công và những đóng góp to lớn của ông cho phong trào xây dựng, phát triển kinh tế ở Quảng Nam.

Khu lưu niệm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguồn ảnh: Internet

Bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc khu di tích Chiến trường Bạch Đằng, được phát hiện năm 2005. Kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy, bãi cọc Đồng Má Ngựa nằm trong một nhánh của dòng sông Kênh cổ, giữa các gò đất cao và gò đá. Tại khu vực được khai quật còn phát hiện nhiều mảnh hàu, hà nhỏ và các mảnh sành sứ thuộc thời Trần, Lê và Nguyễn...

Bãi cọc Đồng Má Ngựa đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nhà thờ họ Phạm là nơi thờ thủy tổ Phạm Thanh Lảnh, người đã có công chiêu tập nhân dân, quai đê lấn biển lập nên thôn Vị Khê ngày nay. Ngoài thờ thuỷ tổ Phạm Thanh Lảnh, tại đây còn thờ thế tổ các đời họ Phạm như: Quận công Phạm Hữu Tài (đời thứ 5) đã có công cứu đói, đóng thuế cho dân nhiều năm; bỏ thóc, bỏ tiền vàng ra xây dựng đình, chùa, miếu mạo...; cụ tổ Phạm Hữu Kỷ (đời thứ 7) từng tham gia lãnh đạo quân khởi nghĩa ở vùng An Quảng cùng với phong trào quận He, quận Hẻo…

Nhà thờ họ Phạm đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguồn ảnh Internet

Núi Đầu Rằm bao gồm hai dãy núi đá vôi thấp, tiếp giáp với vịnh Hạ Long. Theo các nhà khảo cổ, núi Đầu Rằm chính là di tích cư trú của người Việt cổ ở giai đoạn sớm thuộc bình tuyến văn hóa Phùng Nguyên muộn (cách đây trên 3.000 năm) và giai đoạn muộn (cách đây trên 2.000 năm) thuộc văn hóa Đông Sơn.

Đây là một trong số ít di tích văn hóa sơ kỳ kim khí ở Việt Nam có địa tầng dầy, thể hiện đa dạng các nền văn hóa và là tư liệu quý về quá trình tụ cư, mưu sinh của các nhóm cư dân địa bàn vùng duyên hải. Kết quả khai quật núi Đầu Rằm đã phát lộ hàng ngàn hiện vật như: đồ gia dụng (nồi, vò, dọi xe chỉ), phương tiện đánh bắt cá (lưỡi câu, chì lưới), công cụ sản xuất (bàn mài, rìu), đồ trang sức (vòng, khuyên tai)… bằng các chất liệu gốm, đá, đồng cùng nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật…

Núi Đầu Rằm đã được công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia.

Đền thờ Phan Cảnh Quang tọa lạc trên diện tích khoảng 2.000m2, thờ vị danh tướng tài ba dưới thời Hậu Lê. Đền được dựng vào năm 1597 theo kiến trúc hình chữ tam, bao gồm 3 tòa: Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Bên trong đền còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn đồ tế khí, long ngai, bài vị, hương án, hoành phi, câu đối, đại tự, bia đá, bát âm, bát bửu, gia phả, sắc phong...

Đền đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đánh cờ người trong lễ hội Đền Cả (Nguồn ảnh: Internet)

Đền Cả được xây dựng từ thế kỉ 16, thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và các vị Phúc thần, Nhân thần, các vị tướng lĩnh, đại khoa có công bảo quốc hộ dân.

Đây không chỉ là di tích văn hóa tâm linh mà còn là chứng tích lịch sử trong những năm chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Pháp, đền là nơi mà các lãnh tụ Cần Vương như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã thường tụ họp để bàn việc nước và cũng là nơi học tập thường xuyên của học sinh trường Trung học Lê Doãn Nhã (Yên Thành). Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đền là kho tập kết hàng hóa cho chiến trường…

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nguyên vẹn kiểu kiến trúc cổ độc đáo.

Đền đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh là ấp 3, xã An Trường, huyện Càng Long. Chi bộ được thành lập vào tháng 10/1930 với Bí thư Chi bộ đầu tiên là đồng chí Nguyễn Phát Đạt.

Nhằm lưu giữ những chiến công, thành tích của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Trà Vinh trong quá trình đấu tranh cách mạng; đồng thời giáo dục thế hệ trẻ ra sức học tập, rèn luyện, người dân ấp 3 đã xây dựng khu nhà truyền thống trên tổng diện tích hơn 2.600m², bao gồm nhiều hạng mục như: nhà truyền thống, bia tưởng niệm, vườn cây…

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Trà Vinh đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Trong đợt này, chùa Ba Si (tỉnh Trà Vinh) cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia và chùa Bảo Lâm (tỉnh Nghệ An) được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.


                                                                                                                                  Thanh Hải