(TITC) - Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012, sáng ngày 26/9/2012, tại thành phố Nam Định đã diễn ra hội thảo Phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp phát triển du lịch làng nghề tại Nam Định nói riêng và cả nước nói chung.
|
Làng nghề sơn mài Cát Đằng - Nam Định (Nguồn ảnh: Website Nam Định) |
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan; đại diện Tổng cục Du lịch cùng các chuyên gia du lịch trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, trong xu thế hội nhập và mở cửa, làng nghề truyền thống đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Phát triển du lịch làng nghề là con đường hữu hiệu để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục: sản phầm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế; các địa phương chưa có chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề; công tác quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo; người dân chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề; cơ sở hạ tầng cũng như nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu; môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng…
Từ thực trạng đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề như: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng tại các làng nghề; chú trọng quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống; nâng cao khả năng “làm du lịch” của người dân và nhà quản lý; tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu quốc gia…
Để phát triển du lịch gắn với làng nghề nông thôn, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NNPTNT và Tổng cục Du lịch, cùng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch cụ thể.
Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, thu hút khoảng 12 triệu lao động phổ thông. Thu nhập của người dân làng nghề cao hơn từ 3-5 lần so với sản xuất thuần nông... Phát triển du lịch làng nghề chính là một hướng đi đúng đắn và phù hợp, được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch, trong đó có Việt Nam. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc; đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng, miền, địa phương trên đất nước.
Phạm Phương