Bế mạc Ngày hội vùng đồng bào dân tộc Chăm năm 2012
Cập nhật: 17/10/2012
Tối 16/10, dưới chân tháp Pô Klông Garai lung linh, Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm-Ninh Thuận 2012 đã bế mạc. Bữa tiệc tinh thần mang đậm sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đã khép lại trong niềm hân hoan, vui sướng của các nghệ nhân, nghệ sĩ dân tộc Chăm và đông đảo khán giả.

Sau các tiết mục nghệ thuật cuối cùng, các diễn viên không chuyên dân tộc Chăm của các đoàn An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh và Tây Ninh siết chặt tay cùng hát vang bài hát “Hồ Chí Minh mãi mãi trong trái tim người Chăm”, trong sự cổ vũ nồng nhiệt của đông đảo khán giả. Ông Ru Chân Ly, nghệ nhân, Trưởng đoàn ca múa dân tộc Chăm tỉnh An Giang xúc động bày tỏ: “Chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước đã tạo cơ hội để có dịp giao lưu và để người dân cả nước hiểu hơn về văn hóa của dân tộc tôi”.  

Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm-Ninh Thuận 2012 do Bộ VHTTDL tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16/10, bao gồm nhiều nội dung, như: thi biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang dân tộc Chăm; giới thiệu văn hóa ẩm thực dân tộc Chăm; trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật giới thiệu văn hóa dân tộc các vùng miền; triển lãm tuyên truyền sách văn hóa dân tộc Chăm; thi dệt, làm gốm truyền thống và hội thảo bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Chăm… Đặc biệt, chương trình lễ hội Katê diễn ra tại làng Chăm Hữu Đức và dưới chân tháp Pô Klông Garai đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Lễ hội Katê của đồng bào dân tộc Chăm năm 2012 sôi động, đông vui, nhộn nhịp và nhiều màu sắc, nhưng không vì thế mà mất đi sự linh thiêng, tôn kính mà đồng bào dân tộc Chăm dành cho các vị thần từ ngàn đời nay.  

Khi tiếng trống paranưng bập bùng, khi tiếng kèn Saranai réo rắt như mời gọi vang lên, mặc dù đang sôi nổi bàn luận về sự ăn khớp, nhịp nhàng sau phần biểu diễn của toàn đội, song các vũ công, nghệ nhân Chăm của đội Ninh Thuận lại vung tay, nhấc chân, đánh nhịp theo làn điệu đã ăn vào máu thịt. Nghệ nhân Thành Thị Diễm Châu, diễn viên chuyên đóng vai bà bóng, một nhân vật quan trọng trong lễ hội Katê, tâm sự: “Chưa bao giờ em và các bạn trong đội vui thế. Bà con dưới làng liên tục gọi điện hỏi thăm và động viên trong những ngày chúng em ở đây biểu diễn”.  

Phát biểu tại lễ bế mạc, đồng chí Lê Văn Hùng, Phó vụ trưởng, Phó Giám đốc phụ trách cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm là tài sản chung của cả dân tộc cần phải lưu giữ và bảo tồn. Ngày hội ăn hoá, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm – Ninh Thuận 2012 đã thành công hơn cả sự mong đợi. Đây là dấu ấn, không chỉ đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ có mặt tại đây mà còn là dấu ấn đặc biệt cho những ai được một lần thưởng thức nghệ thuật dân tộc Chăm vào đúng dịp lễ hội Katê”.    

Anh Phạm Hoài Phương, một du khách vừa đến Ninh Thuận chiều 16/10 cho hay: “Hôm khai mạc và ngày lễ Katê của người Chăm tôi không thể vào xem được vì bận công việc. Tôi đặc biệt ấn tượng với điệu múa Áp-sa-ra. Xem các vũ công biểu diễn tôi như lạc vào cõi khác, thảnh thơi, phiêu bồng và lãng mạn”.    

Quả đúng vậy, ai đã từng một lần được đến làng Chăm vào đúng lễ hội Katê, được chiêm ngưỡng những ngôi tháp Chăm-pa cổ kính xây dựng bằng đất nung độc đáo, được ngắm nhìn hình ảnh vũ nữ Chăm-pa cổ xưa được chạm khắc tinh xảo trên các đền tháp, được thả hồn trong điệu múa Apsara đầy mê hoặc mới có thể cảm nhận được đầy đủ về sức sống, sự trường tồn và khối óc sáng tạo tuyệt vời của đồng bào dân tộc Chăm. Điều đó cho thấy bữa tiệc liên hoan đầy màu sắc, đậm chất văn hóa dân tộc Chăm đã kết thúc từ lâu mà sự luyến tiếc vẫn hiện rõ trên từng khuôn mặt của các nghệ nhân, nghệ sĩ dân tộc Chăm và đông đảo khán giả có mặt tại chân tháp Pô Klông Garai đêm bế mạc.

QĐND