Trưng bày bộ sưu tập “Văn hóa trầu cau Việt Nam”
Cập nhật: 25/10/2012
Sáng 24/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà sưu tập Thành Hải Dương tổ chức khai mạc trưng bày “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”.

 

                Bình vôi quai hình rồng (thế kỷ 20)

100 hiện vật, tài liệu, hình ảnh tiêu biểu được lựa chọn giới thiệu trong triển lãm là những hiện vật có niên đại từ thời Lý như: bình vôi, ống vôi, ống nhổ, dao bổ cau, têm trầu, khay trầu, cơi trầu. Bộ đồ ăn trầu của tầng lớp quý tộc thuộc bộ sưu tập cung đình triều Nguyễn là những cổ vật quý với các chất liệu vàng, bạc, ngọc… được tạo dáng, trang trí hết sức độc đáo, cầu kỳ, tinh xảo. Còn bộ đồ ăn trầu của tầng lớp bình dân lại được chế tác đơn giản, bằng những chất liệu dễ kiếm như: tre, gỗ, đồng, gốm, vải.

Mục đích của triển lãm là nhằm giới thiệu nguồn gốc tục ăn trầu ở Việt Nam, về cách ăn trầu, têm và bộ dụng cụ ăn trầu cùng những giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ với công chúng, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn với câu chuyện cổ tích nổi tiếng “Trầu Cau”. Trầu cau vừa là biểu hiện phong cách Việt Nam vừa thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống. Miếng trầu là đầu câu chuyện, là sự cởi mở tình cảm khiến người với người gần gũi hơn. Trầu cau không những là lễ vật trong các nghi lễ truyền thống như: tế tự, tang ma, cưới hỏi mà còn là biểu tượng của tình yêu đôi lứa, tình nghĩa anh em, vợ chồng…

Các hiện vật được trưng bày tại triển lãm là một phần trong 300 hiện vật quý trong bộ sưu tập của nhà sưu tập tư nhân Thành Hải Dương. “Tôi đã làm công việc này được 5 năm. Lý do tôi sưu tập nó là do từ nhỏ được chứng kiến bà tôi và người nông dân ở làng quê ăn trầu và cũng xuất phát từ đó mà lòng đam mê đã thôi thúc tôi làm công việc này hay nói theo cách nói của nhà Phật là “cái duyên” tìm tòi nét đẹp rất đời thường của người nông dân Việt Nam”, nhà sưu tập Thành Hải Dương cho biết. 

Trong gia đình Việt Nam cổ truyền, bình vôi được coi trọng và tôn kính như một vị thần nên được được gọi là Ông bình vôi hay Ông vôi. Khi bình vôi đặc ruột không may bị sứt mẻ thì người ta không đem vứt mà cất nó cẩn thận hoặc treo xếp ở gốc đa đầu làng. Chính vì vậy, bình vôi khi chế tác cũng được đầu tư nhiều công sức, tâm huyết nên đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Trong số các hiện vật anh sưu tầm, có rất nhiều bình vôi độc đáo như: bình vôi tay cầm hình con tôm - hiện vật tiêu biểu của thời Lý, hình con cá, con rồng…”.

Chị Heather Cesarini, người Canada, hiện đang làm tình nguyện viên ở Hiệp hội Phụ nữ cho biết, chị có may mắn được người bạn đưa đến xem triển lãm văn hóa trầu Cau. Chị nói: “Tôi cảm thấy rất thú vị khi được chiêm ngưỡng các hiện vật cổ đang trưng bày tại triển lãm này. Đặc biệt, tôi được xem chị hai quan họ Bắc Ninh hát dân ca và sau đó lại ngồi têm hình cánh phượng cho du khách chiêm ngưỡng. Nó rất đẹp và thật độc đáo mà tôi nghĩ chỉ Việt Nam mới có”.

Nghệ sĩ Phạm Đăng Mùi, Phó Giám đốc Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh cho biết: Tục ăn trầu đã trở thành biểu tượng của người Việt Nam. Bất cứ một lễ hội nào đều không thể thiếu được miếng trầu. Tuy nhiên, nghệ sĩ Đăng Mùi cũng cho rằng, ngày nay trong các lễ nghi truyền thống tục ăn trầu vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng nó lại đang dần bị mai một trong đời sống hàng ngày.

                        Trầu têm cánh phượng

Miếng trầu không chỉ nhai chơi mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực. Ngày mùa đông giá rét, ăn một miếng trầu sẽ cảm thấy mình ấm áp hơn và đặc biệt người già ăn trầu sẽ làm răng chắc hơn và không bị sâu. Cách têm trầu cũng thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế, tùy từng hoàn cảnh mà trầu được têm theo mỗi cánh khác nhau với ý nghĩa biểu trưng khác nhau. Miếng trầu đã têm còn thể hiện nét tài hoa, khéo léo và tính nết của người têm nó.

VOV