Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có rừng, núi, sông, suối, biển, đảo, có bờ biển dài với nhiều bãi tắm đẹp và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng.
Bên cạnh tiềm năng du lịch, Kiên Giang còn có thế mạnh do có vị trí địa lý thuận lợi là địa điểm thuận tiện kết nối với các nước ASEAN, đặc biệt là Campuchia và Thái Lan, là lợi thế để mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực và thực hiện được vai trò là cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ với bên ngoài. Với những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thời gian qua ngành du lịch Kiên Giang cơ bản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và đang phấn đấu cho mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Những tiềm năng và lợi thế du lịch của Kiên Giang được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, do đó mỗi địa phương đều có thể dựa vào tài nguyên sẵn có để khai thác phát triển các loại hình du lịch phù hợp. Tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở những địa danh đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như: Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Hải, U Minh Thượng… Đặc biệt Kiên Giang còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 1,1 triệu héc-ta, là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái, kết hợp nghiên cứu khoa học. Riêng đảo Phú Quốc đã được quy hoạch phát triển trở thành khu kinh tế - hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời cùng với những nỗ lực trong nhiều năm gần đây về đổi mới cơ chế, chính sách, về tuyên truyền quảng bá, về xúc tiến đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch…, đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ, nghề truyền thống của Kiên Giang cũng được chú trọng khai thác đã mang lại những thành công nhất định đối với du lịch Kiên Giang như nước mắm Phú Quốc, hồ tiêu, rượu sim, sản phẩm ngọc trai, cỏ Bàng, Lục Bình… đã và đang tạo được thương hiệu.
Với những tiềm năng thế mạnh nói trên, trong thời gian qua ngành du lịch Kiên Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hạ tầng giao thông đến các khu du lịch trong tỉnh và trên đảo Phú Quốc cơ bản hoàn thành (tổng vốn đầu tư từ năm 1998 đến nay ước tính khoảng 19 ngàn tỷ đồng). Hệ thống sân bay, cảng biển, phương tiện vận chuyển được đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, sân bay quốc tế Phú Quốc tháng 12 tới được đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm thuận lợi để phát triển giao thương và lữ hành quốc tế. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch phát triển nhanh từ 38 cơ sở với 605 phòng (năm 1998) đến nay tăng lên 256 cơ sở với 4.929 phòng, trong đó có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm du lịch từng bước đa dạng hóa với các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch khám phá rừng, biển, hang động… gắn với đặc điểm tài nguyên du lịch phong phú của tỉnh. Trong đó, tour du lịch khám phá các đảo và lặn ngắm san hô (Phú Quốc) đặc biệt thu hút đông đảo khách quốc tế.
Những kết quả kể trên đã tạo nên diện mạo mới cho du lịch tỉnh nhà. Lượt khách đến tham quan du lịch và doanh thu du lịch liên tục tăng trưởng qua các năm. Giai đoạn 1998-2011, tổng lượt khách đạt xấp xỉ 25 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.500 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của lượt khách đạt 12,1%, của doanh thu đạt 25,5%. Cùng với tăng thu nhập xã hội và ngân sách, du lịch phát triển đã giải quyết việc làm cho 5.978 lao động trong ngành du lịch; góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ; đồng thời, tạo lập được thương hiệu Du lịch Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2015, phát triển du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết nối sâu rộng với khu vực ASEAN và để đạt được mục tiêu này, Kiên Giang tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như: Xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành; ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch như (xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các khu, điểm du lịch); đầu tư phát triển đồng bộ, có chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của tỉnh gắn với thị trường khách du lịch như: du lịch sinh thái gắn với tài nguyên du lịch biển, đảo; du lịch gắn với các di tích lịch sử, các công trình văn hoá và danh lam thắng cảnh; du lịch làng nghề ; du lịch gắn với lễ hội, tín ngưỡng; du lịch MICE; tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức (tăng cường tham gia xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Kiên Giang thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm... trong và ngoài nước); thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh liên kết phát triển với các đơn vị du lịch trong khu vực và nước ngoài.