Sở Khoa học Công nghệ cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc bàn về kế hoạch triển khai xây dựng bản đồ điện tử hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn TPHCM.
Dự kiến, chương trình sẽ ứng dụng quản lý đối với 2 nhóm đối tượng: nhóm di sản văn hóa vật thể gồm di tích lịch sử- văn hóa, hệ thống bảo tàng, di vật - cổ vật - bảo vật quốc gia; nhóm di sản văn hóa phi vật thể như nghề và làng nghề truyền thống, đờn ca tài tử Nam bộ, nghệ thuật cải lương, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, nghệ nhân và các loại hình khác theo quy định…
|
Chùa Vĩnh Nghiêm
|
Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM, đây là một trong những biện pháp góp phần hỗ trợ, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, phục vụ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và tuyên truyền về giá trị di sản văn hóa, đồng thời qua đó quảng bá các địa điểm du lịch dành cho du khách trong và ngoài nước. Bà nói: "Khi chúng ta hoàn thiện được bản đồ số này, Sở sẽ ứng dụng được với bản đồ dư địa chí của cả thành phố. Khi đó, những thông tin về lễ hội hay của thành phố đều hiện lên trong đó hết, du khách chỉ cần nhấp chuột vào đó là có thể tìm hiểu đầy đủ. Với sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ, TPHCM sẽ sớm có bản đồ di sản văn hóa để phục vụ du khách".
Hiện nay, TPHCM có khoảng 143 di tích đã được xếp hạng, 1.500 đối tượng di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình lễ hội, nghề và làng nghề, nghệ thuật cổ truyền, nghệ nhân và người có công truyền dạy.