Hợp tác thương mại Việt Nam - Ấn Độ - cải thiện 5 vấn đề để phát triển du lịch
Cập nhật: 14/01/2013
Vừa qua, tại TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo hợp tác Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Ấn Độ trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt - Ấn.

Hội thảo do Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Ấn Độ (ICC), Phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam - INCHAM tổ chức.

Đến dự hội thảo có Bộ trưởng Bộ Du lịch Ấn Độ, Chiranjeevi Konidala; Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae; Chủ tịch ICC Rajiv Mundha, cùng 10 doanh nghiệp Ấn Độ thuộc các lĩnh vực Dịch vụ, Du lịch, Chăm sóc Y tế, Xây dựng và Cơ sở hạ tầng, Công nghệ thông tin (CNTT). Về phía chủ nhà có Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn, đại diện lãnh đạo VCCI, đại diện lãnh đạo các Vụ thuộc Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cùng đại diện hàng trăm doanh nghiệp tại Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Ấn Độ - đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Ông Hoàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Và năm 2012 đã đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát huy hiệu quả và thực chất. Kim ngạch thương mại song phương 2 nước vào năm 2011 đã đạt tới 3,9 tỷ USD (tăng gấp 9 lần so với năm 2006). Số liệu cập nhật đến cuối tháng 10/2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa 2 nước (tuy thấp hơn 2011) vẫn đạt 3,2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 1,76 tỷ USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ bao gồm điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, than đá, cao su, quặng, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, hạt tiêu… Ấn Độ xuất sang Việt Nam nguyên phụ liệu thức ăn gia súc và phục vụ sản xuất; dược phẩm, máy móc thiết bị.

Như vậy, chỉ trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch thương mại hai chiều Ấn Độ - Việt Nam đã tăng từ 178 triệu USD lên gần xấp xỉ 4 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam (với 68 dự án, đạt gần 300 triệu USD), tập trung vào các ngành kinh tế khai khoáng - chế biến nông sản và thăm dò, khai thác dầu khí.

Đẩy mạnh hợp tác du lịch

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Dũng, quan hệ giữa 2 nước vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Đó là cả 2 phía đều thiếu hụt thông tin về đất nước của nhau. Khó khăn về đi lại, những khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, đặc biệt là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu trùng hợp cũng tạo ra những cản ngại cho quá trình hợp tác của cả 2 phía.

Phát biểu tại buổi hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh: Hằng năm, có khoảng 14,5 triệu người Ấn Độ ra nước ngoài du lịch. Trong đó khoảng 2,5 triệu người đến các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, số lượng du khách Ấn Độ đến Việt Nam lại không đáng kể. Chủ yếu là khách thương gia đi tìm cơ hội hợp tác làm ăn và khách công vụ. Đây là điều đáng để ngành Du lịch 2 quốc gia suy ngẫm, bởi Ấn Độ và Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác về Du lịch ở cấp Chính phủ từ năm 2001.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, nguyên nhân chính là việc đi lại giữa Việt Nam và Ấn Độ còn quá khó khăn, chưa hề có đường bay trực tiếp. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cả 2 nước còn thiếu chủ động tìm hiểu về nhau và đặc biệt là về khách hàng tiềm năng. Các nội dung hợp tác về quảng bá ngành Du lịch của mỗi nước cũng còn hạn chế. Để cải thiện tình hình này, có 5 vấn đề cần sớm được giải quyết: Đường bay trực tiếp từ các đô thị trung tâm Việt Nam đến các thủ phủ và thủ đô của nước bạn và ngược lại; tăng cường hợp tác lĩnh vực du lịch trên nhiều cấp Nhà nước – Nhà nước, địa phương – địa phương và nhất là doanh nghiệp – doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, có sản phẩm cụ thể và phù hợp cho đối tượng du khách của nhau, chú trọng đến sản phẩm là điểm đến (nhất là nhu cầu tìm điểm đến gắn với văn hóa, tâm linh); dịch vụ ẩm thực; đơn giản thủ tục thị thực; thúc đẩy hợp tác quảng bá tiềm năng du lịch song phương.

Chia sẻ điều này, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Ranjit Rae nói: “Bộ trưởng Bộ Du lịch Ấn Độ có mặt tại hội thảo, điều này cho thấy quyết tâm và sự quan tâm chính trị của lãnh đạo đất nước chúng tôi đối với phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch nói riêng, các lĩnh vực khác nói chung. Ấn Độ tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, là điểm trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ và Việt Nam đã có kết nối từ trong quá khứ; trong giai đoạn hiện đại, chúng ta kết nối với nhau qua đường bộ, mới đây là đường biển. Tôi cho rằng người dân Ấn Độ và Việt Nam có sự gần gũi về tâm linh, tín ngưỡng và văn hóa. Ngành Du lịch 2 nước cần nghĩ đến những địa chỉ, những nơi đến mà người dân cả 2 nước cùng quan tâm như nhau. Đó là các điểm đến của tín ngưỡng, của tâm linh”.

Baodulich.net.vn