Phát triển sản phẩm, mở rộng biên độ không gian, hướng về chất lượng cao, kéo dài thời gian lưu trú của khách và chia sẻ lợi ích cho cộng đồng… là đích hướng của DL Quảng Nam năm 2013.
Tốc độ tăng trưởng DL bình quân 30% mỗi năm trong hơn một thập kỷ qua, nhưng lượng khách đến Quảng Nam vẫn chưa đạt đến mức “kỷ lục” để gây ra sự đảo lộn hoặc đẩy áp lực lên di sản. Phát triển hiện tại vẫn chưa đến mức độ báo động hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và làm lệch các giá trị văn hóa..., song cơ quan quản lý vẫn quan ngại việc “đánh mất vị thế” Quảng Nam trên bản đồ DL Việt Nam. Hiện tại DL Quảng Nam chỉ tập trung ở đô thị cổ Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm khiến thu nhập xã hội giảm khá nhiều so với các địa phương vùng tam giác di sản, buộc chính quyền, cơ quan quản lý đưa ra một sự lựa chọn có tính chiến lược để mở rộng không gian phát triển DL trên toàn vùng.
Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, năm 2013 được xác định là năm “Phát triển sản phẩm DL”. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ hợp tác để đưa vào khai thác một số sản phẩm mới. Miền biển hay vùng sông nước sẽ phát triển DL bãi Rạn (Núi Thành), bãi tắm Tam Thanh (Tam Kỳ), DL cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), tổ chức lưu trú trên tàu giữa sông Thu Bồn, Cù Lao Chàm và khai trương một số khu thể thao biển, khu vui chơi giải trí qua đêm tại vùng ven biển Điện Ngọc - Cẩm An… Biên độ phát triển DL còn mở rộng lên Mỹ Sơn bằng các mô hình lưu trú nhà dân, mở cửa làng DL Bhơ Hôồng (Đông Giang), Zara và thác Grăng (Nam Giang), tái khởi động tour DL suối nước nóng Phú Ninh. Hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là mở tour DL đường mòn Hồ Chí Minh tại Nam Giang. Ông Hài cho biết đây là cách duy nhất để mở rộng không gian, hướng về DL chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Đây cũng là cách phân phối lợi ích trên diện rộng, tạo nhiều công ăn việc làm để người nghèo thực sự hưởng lợi từ DL mà vẫn giữ được giá trị văn hóa chân thực của vùng di sản Quảng Nam.
Theo nhận định của giới doanh nghiệp, việc mở rộng không gian DL là điều cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường DL ngày càng khốc liệt như hiện nay. Tuy nhiên, sự thành công của các sản phẩm cộng đồng này sẽ chỉ đến khi có sự kết hợp hoàn hảo giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân bản địa. Ông Phạm Vũ Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH DL mạo hiểm Việt Nam (đang theo đuổi dự án DL cộng đồng tại làng Bhơ Hôồng) - nói rằng, một khi cam kết đầu tư toàn bộ nhưng chỉ thu lợi từ khách theo tour và lưu trú, các sản phẩm khác do người dân cung cấp, lợi ích được chia đều cho cộng đồng… thì hiệu quả của sản phẩm sẽ được nhận diện trên thực tế. Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP DL dịch vụ Hội An cũng cho hay, công ty của ông đang chờ cơ quan chủ quản hoàn tất quy hoạch, phục hồi nguyên trạng 3km đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại Cà Dy (Nam Giang) thì sẽ tiến hành đầu tư, khai thác. Theo ông Dũng, những khoản đầu tư ấy có thể sẽ không đặt vấn đề lợi nhuận trong một vài năm đầu. Quan trọng hơn hết chính là sự liên kết của các cơ quan DL, để sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên nền tảng doanh nghiệp đầu tư còn người dân bản địa làm chủ mọi hoạt động.