Với địa hình đa dạng, tài nguyên phong phú, các nhà hoạch định chiến lược đều thừa nhận Phú Yên có tiềm năng có thể phát triển nhiều loại hình du lịch. Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng gắn với tài nguyên biển, đảo được nhận định là thế mạnh, điểm nhấn khi nói đến Phú Yên.
Du lịch nghỉ dưỡng biển là trung tâm
Theo các chuyên gia hoạch định, với đặc điểm địa hình, tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn) hiện có, du lịch Phú Yên đang có rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Trong đó nổi bật nhất là dải bờ biển dài và đẹp với nhiều vũng, vịnh, đảo còn rất tự nhiên, hoang sơ. Chính vì thế, trong quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 xác định rõ: “Tập trung các dịch vụ gắn với biển, đảo như: tắm biển, nghỉ dưỡng biển, các trò chơi giải trí dưới nước tại khu vực vịnh Xuân Đài, Vũng Lắm, Vũng Rô và nhiều hòn đảo gần bờ như hòn Chùa, Lao Mái Nhà, hòn Dứa, hòn Nưa..., tại các bãi tắm như bãi Tiên, bãi Rạng, bãi Nồm, bãi Môn – Mũi Điện và ghềnh Đá Đĩa”.
|
Bên cạnh đó, Quy hoạch phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn 2025 cũng định hướng cụ thể các hình thái, loại hình du lịch khác mà Phú Yên có nhiều tiềm năng. Đó là: “Xây dựng nhiều hơn những sản phẩm du lịch văn hóa dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Một số loại hình có thể đầu tư xây dựng và khai thác như: Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, danh lam thắng cảnh; tham quan chiến trường xưa; du lịch tâm linh; du lịch lễ hội; du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa, ẩm thực, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh; du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo)...
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: “Tiềm năng, định hướng là vậy nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn là cả một quá trình và cần rất nhiều yếu tố. Ngoài phát triển những cơ sở hiện có, Phú Yên tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch để tạo nên những sản phẩm mới quy mô, hiện đại và đặc trưng”.
Sản phẩm du lịch đang dần được định hình
Theo định nghĩa thuật ngữ “sản phẩm du lịch” của Luật Du lịch thì: “Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch”.
Từ thực tế hoạt động du lịch, có thể thấy Phú Yên đang dần hình thành nhiều sản phẩm du lịch theo quy hoạch. Trong đó sản phẩm dịch vụ lưu trú khách sạn là một trong những sản phẩm thành phần được hình thành nhanh và có chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có trên 100 cơ sở lưu trú khách sạn, trong đó có nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-5 sao và hai khu du lịch cao cấp tiêu chuẩn 5 sao. Ông Phan Đình Phùng, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh cho biết: “Du lịch Phú Yên đến thời điểm này có thể yên tâm về dịch vụ ăn, ngủ, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, đẳng cấp và giá cả cho mọi đối tượng từ du khách trong nước, nước ngoài, khách VIP. Tuy nhiên, cũng từ đây xất hiện một sự mất cân đối, trong khi dịch vụ lưu trú phát triển ào ạt thì các dịch vụ khác như vui chơi giải trí, các tour du lịch... còn nhiều hạn chế”.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch biển, đảo và đã khẳng định thương hiệu, uy tín với du khách. Điển hình là khu du lịch cao cấp Sao Việt, khu du lịch Bãi Tràm Hideaway Resort. Ông Trình Quang Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sao Việt cho biết: “Hàng năm, có nhiều khách du lịch Nga và các nước sau lần đầu tiên đến đây đã quay trở lại, còn khách du lịch ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì năm sau nhiều hơn năm trước, chứng tỏ họ đánh giá cao sản phẩm du lịch của mình. Sao Việt đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư, nâng cấp các dịch vụ vui chơi giải trí, từng bước hoàn thiện sản phẩm du lịch của mình”.
Đối với dịch vụ lữ hành, Phú Yên cũng từng bước phát triển. Ngoài các doanh nghiệp lữ hành trong tỉnh như: Tuy Hòa Tourist, Thuận Thảo Travel, Phú Yên Travel, Đất Phú..., đã có một số doanh nghiệp khác đặt văn phòng hoặc đang liên kết với các doanh nghiệp trong tỉnh như: Long Phú Tourist (TP. Nha Trang, Khánh Hòa); Viettravel, Lửa Việt Tourist, Đại Tín Tourist, Chợ Lớn Tourist (TP. Hồ Chí Minh)... Ông Phạm Lương Đôn, Giám đốc Trung tâm du lịch Thuận Thảo Travel cho biết: “Trước khi UBND tỉnh ban hành Quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, theo nhu cầu thực tế, chúng tôi đã tự xây dựng những sản phẩm du lịch của riêng mình. Và các sản phẩm du lịch này phù hợp với quy hoạch”. Còn ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm lữ hành Tuy Hòa Tourist thì khẳng định: “Phú Yên không thiếu sản phẩm du lịch lữ hành, hiện nay chỉ tính tour nội tỉnh chúng tôi đã xây dựng gần 20 tour, tuyến với nhiều loại hình tham quan, khám phá, dã ngoại... Tuy nhiên, hạn chế của sản phẩm du lịch Phú Yên là chưa hoàn thiện, không ít du khách phàn nàn về việc ban đêm không có chỗ chơi, thiếu các trung tâm mua sắm, các dịch vụ phụ trợ...”. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên Phạm Văn Bảy cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy sản phẩm du lịch Phú Yên còn nhiều hạn chế. Sắp tới, Sở sẽ chủ trì hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Phú Yên” để lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp, nhà quản lý, báo chí, du khách..., từ đó có những giải pháp cụ thể để phát triển sản phẩm du lịch hợp lý, phong phú và đa dạng”.