Sáng 21/1/2013, tại khu vực chùa Giải Oan - Yên Tử, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo công bố Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và khai mạc Hội xuân Yên Tử năm 2013.
Theo bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, buổi Lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt và khai hội Xuân Yên Tử sẽ được tổ chức tại chùa Trình - Yên Tử vào ngày 18/2/2013. Ngoài các nghi thức trao bằng Di tích quốc gia đặc biệt, lễ hội sẽ có các chương trình, nghi thức dâng hương, Lễ cầu quốc thái dân an, Lễ đóng dấu thiêng Yên Tử và các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Hàng năm, Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài suốt 3 tháng mùa Xuân. Có hàng vạn lượt tín đồ Phật tử và du khách khắp nơi đổ về cả trong và sau dịp lễ hội. Lượng du khách đến với danh thắng Yên Tử mỗi năm một nhiều hơn. Năm 2011, đạt 2,4 vạn lượt khách, 9 tháng đầu năm 2012 là 2,6 vạn. Dự kiến, riêng ngày khai hội lần này sẽ có khoảng 1,5 vạn lượt khách du lịch đến với Yên Tử.
Trước đó, ngày 27/9/2012, Chính phủ đã có Quyết định xếp hạng “Di tích Quốc gia đặc biệt” đối với 11 di tích. Trong đó, Quảng Ninh là địa phương duy nhất có 2 di tích là Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử và Di tích lịch sử Bạch Đằng. Việc nâng tầm quan trọng của hệ thống các di tích tại Yên Tử, từ chùa Bí Thượng (chùa Trình) đến chùa Am Hoa và hàng chục đài tháp, bia, tượng cổ kính cùng với đường tùng, rừng trúc, suối Giải Oan, thác Ngự Dội, vườn Ngự Dược, tượng đá An Kỳ Sinh… chính là cơ sở để di sản được bảo tồn và phát huy ngày một tốt hơn.
Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử có diện tích trên 9.200ha, gồm các công trình kiến trúc, tôn giáo: chùa, am, tháp được xây dựng từ thời Lý theo tuyến đường từ chùa Bí Thượng (chân Dốc Đỏ) đến đỉnh núi Yên Tử thuộc phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công (TP. Uông Bí) và xã Hồng Thái Đông (huyện Đông Triều).
Gần 1000 năm trước, sử sách đã ghi lại rằng, Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Chân”, ngoài ra, nhiều tài liệu lịch sử đều thống nhất ghi nhận “năm Tự Đức thứ 3, núi Yên Tử được liệt vào hàng danh sơn chép trong điển thờ”. Chính sự linh thiêng ấy, từ xưa, các tín đồ đạo Phật Việt Nam đã đến Yên Tử dựng am cỏ cầu kinh niệm Phật. Sự ra đời và phát triển của Phật giáo Thiền Tông và hệ thống chùa, am, tháp ở Yên Tử là những tư liệu lịch sử vật chất quý báu gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp tu hành của Điếu ngự giác hoàng Trần Nhân Tông. Bên cạnh đó, Yên Tử còn được xem như một bảo tàng sinh thái tự nhiên, với sự đa dạng về hệ sinh thái cảnh quan. Cùng với hệ thống chùa, am, tháp là những đường tùng, rừng thông, rừng trúc, rừng mai… làm cho Yên Tử càng trở nên tươi đẹp và quyến rũ.