(TITC) - Vườn quốc gia Cát Tiên có tổng diện tích 73.878ha, nằm trải rộng trên địa phận 5 huyện Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng); Bù Đăng (Bình Phước); Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và được phân thành 3 khu vực. Khu vực Cát Lộc có diện tích 26.969ha, là khu chuyên dụng để bảo tồn loài tê giác Java một sừng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Khu vực Tây Cát Tiên là nơi bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới lớn nhất Việt Nam, có diện tích 7.801ha. Phần còn lại là khu vực Nam Cát Tiên với diện tích 39.108ha, bao gồm nhiều vùng đất ngập nước như Bàu Sấu, Bàu Chim, Bàu Cá, Bàu Đắc Lớ, Trảng Cò,...
|
Nằm giữa 2 vùng cao nguyên Trường Sơn và vùng đồng bằng Nam Bộ nên vườn quốc gia Cát Tiên là nơi hội tụ hệ thực vật phong phú, đa dạng. Hệ thực vật có tất cả hơn 1.362 loài, phân bố thành 5 kiểu rừng chính là: rừng lá rộng thường xanh (chiếm ưu thế là các loài cây gỗ thuộc họ dầu như dầu rái, dầu lông, cẩm lai Bà Rịa, gỗ đỏ, giáng hương...); rừng lá rộng thường xanh nửa rụng lá (các loài cây gỗ rụng lá trong mùa khô như bằng lăng, tung, râm…); rừng hỗn giao (gồm các loại cây gỗ, tre, nứa); rừng thuần tre, nứa; thảm thực vật đất ngập nước (chủ yếu là các loài cây gỗ chịu nước như bồ am, lộc vừng… mọc xen lẫn các loài lau, lách...). Ngoài ra, Cát Tiên còn có hàng trăm loại cây dược liệu, phong lan quý...
Cùng với hệ thực vật phong phú, hệ động vật ở Cát Tiên cũng rất đa dạng, mang những nét đặc trưng của động vật vùng Đông Trường Sơn với 113 loài thú, trong đó 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 18 loài đặc hữu của tiểu vùng địa sinh học Đông Dương, 3 loài đặc hữu của Việt Nam (chà vá chân đen, tê giác một sừng và hoẵng Nam bộ); 351 loài chim, trong đó 17 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 109 loài bò sát, trong đó 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam như: cá sấu xiêm, trăn gấm, trăn đen…; 41 loài lưỡng cư, trong đó 3 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam (cóc mắt chân dài, cóc rừng, chàng andecson); 756 loài côn trùng, trong đó 2 loài bướm phượng cánh sau vàng, bướm phượng cánh kiếm được xếp vào hàng quý hiếm; 159 loài cá nước ngọt, trong đó 1 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN.
|
Khung cảnh thiên nhiên vừa có đảo, bãi bồi ven sông, lại vừa có các trảng rộng lớn, bằng phẳng và nhiều dòng suối chảy dốc tạo thành các dòng thác đổ trắng xoá trên các triền đá lớn vào mùa mưa đã tạo nên nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào có được của Cát Tiên.
Không chỉ có vậy, vườn quốc gia Cát Tiên còn chứa đựng những giá trị văn hóa vô cùng độc đáo, tiêu biểu là di chỉ khảo cổ học Cát Tiên nằm dọc theo tả ngạn sông Đồng Nai trên diện tích hơn 738ha, thuộc địa phận xã Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng).
Theo các nhà khảo cổ học, đây từng là kinh đô thuộc nền văn hóa Phù Nam hoặc tương đương (Chân Lạp), hình thành trong giai đoạn lịch sử từ thế kỷ thứ 3-8. Kết quả khai quật khảo cổ học thời gian vừa qua đã phát lộ rất nhiều đền tháp, mộ tháp, đài thờ, hệ thống dẫn nước, nhà dài, đường đi, lò gạch… cùng nhiều hiện vật (tượng thờ, bình, vò, gương, đĩa, chân đèn, chuông, vòng, nhẫn…) bằng vàng, bạc, gốm, đá với hoa văn chạm khắc tinh xảo. Nổi bật nhất là khu đền thờ linh vật nằm trên đỉnh đồi A1 tại khu vực đầu nguồn sông Ðồng Nai, thuộc xã Quảng Ngãi. Đền thờ được xây bằng gạch thô; có bệ, khung diềm cửa, cột trụ làm bằng đá xanh granit chạm trổ hoa văn; các Linga bằng vàng hoặc vàng bịt bạc, duy chỉ có một Linga - Yoni cao 2,1m, đường kính 0,7m là bằng đá xanh mài bóng và hơn một trăm bức phù điêu bằng vàng miếng có chạm hình mô tả cảnh sinh hoạt thời đó (các vũ nữ, chiến binh, đàn voi, đàn bò, hoa sen...).
Năm 1997, di chỉ khảo cổ học Cát Tiên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.
Giá trị văn hóa ở Cát Tiên còn được thể hiện qua phong tục tập quán đặc thù của cộng đồng người Mạ, S’tiêng (hơn 1.000 nhân khẩu) sinh sống tại vườn. Dân tộc Mạ và S’tiêng cư trú rải rác ven bờ sông Đồng Nai (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) và sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, dệt thêu thổ cẩm truyền thống. Với đôi bàn tay khéo léo, người Mạ và S’tiêng đã làm ra rất nhiều sản phẩm thổ cẩm có mẫu mã đẹp, hoa văn tinh tế như: áo, váy, ví, túi, khăn… vừa để sử dụng vừa phục vụ khách du lịch. Cùng với nghề dệt, thêu thổ cẩm, các lễ hội, những truyền thuyết, huyền thoại độc đáo và những nhạc cụ như cồng chiêng, trống, khèn bầu, tù và, sáo trúc… đã gắn liền với đời sống văn hoá và tâm linh của cộng đồng dân tộc nơi đây, tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho vườn quốc gia Cát Tiên.
Theo Ban Quản lý vườn, mỗi năm, có khoảng hàng vạn du khách đến Cát Tiên để nghiên cứu, học tập; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, dã ngoại, mạo hiểm, hội nghị kết hợp các hoạt động tình nguyện…
Ngày 10/11/2001, Cát Tiên được Uỷ ban UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới. Ngày 4/8/2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Hệ đất ngập nước Bàu Sấu là khu ramsar thứ 1.499 của thế giới với tổng diện tích 13.759 ha (trong đó có 5.360 ha đất ngập nước theo mùa, 8.399 ha đất ngập nước quanh năm).
Thanh Hải