(TITC) - Với những ai yêu thích du lịch mạo hiểm thì vườn quốc gia Xuân Sơn chính là điểm hẹn tuyệt vời. Nơi đây không chỉ có núi cao, rừng rậm, những cánh đồng lúa nước trải dài thẳng cánh cò bay hay hệ thống hang động vô cùng kỳ vĩ, tráng lệ…, mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào dân tộc Dao tại bản Bến Thân (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ).
|
Nguồn ảnh: Internet
|
Từ TP. Hà Nội, theo quốc lộ 32 khoảng 63km về phía tây bắc tới xã Cổ Tiết (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); tiếp tục rẽ trái về phía tây nam khoảng 35km, du khách sẽ tới bản Bến Thân.
Vùng đất dựng bản là một thung lũng bao quanh bởi núi cao, rừng rậm. Đồng bào Dao ở Sơn La đã di cư về đây lập bản và đặt tên là Bến Thân bởi nơi đây có con suối Thân chảy ra từ núi.
Cuộc sống của dân bản Bến Thân chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp do đường xá đi lại xa xôi, hiểm trở. Đa số các hộ dân vẫn dùng đèn dầu, chỉ vài hộ có máy phát điện cá nhân.
Dân bản sinh sống bằng nghề trồng lúa, ngô, sắn và nuôi lợn. Cách nuôi lợn của người Dao nơi đây được cho là rất độc đáo, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc sống trong vùng lõi vườn quốc gia Xuân Sơn.
Giống lợn ở bản Bến Thân chính là giống lợn ri hay còn gọi là lợn cắp nách (màu đen tuyền, trán dô, mõm dài, tai chuột, tầm vóc nhỏ, một năm tuổi chỉ đạt 10-15kg). Người Dao ở đây chỉ mua một đôi lợn giống (một con đực và một con cái) rồi thả chúng vào khu rừng gần nhà để chúng tự dũi đất, tha lá cây làm ổ, kiếm ăn, sinh đẻ. Thức ăn của lợn là các loại côn trùng như giun, dế, ốc; các loại lá cây, củ, quả.
Bao quanh bản Bến Thân là những dãy núi đá vôi với nhiều loại cây dược liệu quý mọc tự nhiên nên khi lợn ăn các loại cây này, thịt của chúng thơm như thịt lợn rừng và chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Giống lợn này ăn khỏe, lại sống hoang dã nên khả năng sinh sản cũng rất tốt, mỗi lứa đẻ từ 10 - 20 con. Mỗi khi lợn đẻ xong một lứa, đồng bào Dao lại tìm ổ để bắt đàn lợn con rồi dùng gai bồ kết rạch xước da, bôi muối vào người chúng. Họ còn tập cho lợn con ăn thức ăn trộn muối. Cách làm này nhằm mục đích để đàn lợn sau khi tự đi kiếm ăn sẽ không đi xa mà chỉ quanh quẩn gần ổ.
Lợn lửng là sản phẩm của hình thức chăn nuôi lạc hậu, song lại có giá trị kinh tế rất cao. Trong tương lai, nếu bản Bến Thân được chính quyền địa phương đầu tư phát triển kinh tế, nhất là sản phẩm lợn lửng kết hợp du lịch thì bản sẽ sớm trở thành điểm đến thu hút nhiều du khách.
Thanh Hải