(TITC) - Khi mùa Xuân đến, những hạt mưa lất phất bay trong tiết trời se lạnh, cỏ cây hoa lá đua nhau khoe sắc thắm thì cũng là lúc người dân vùng đất Tổ Phú Thọ tưng bừng tổ chức những cuộc hát Xoan để thờ vua, thờ thần với mục đích cầu mong vua giáng phúc, cầu thần ban phát, phù trợ cho dân làng tứ thời tiết lập, mưa thuận gió hòa, nhà nhà no đủ, nhân khang vật thịnh, quốc thái dân an. Bên cạnh đó, hát Xoan còn gắn với nhu cầu vui chơi, giải trí, hội mùa và đón chào năm mới của người dân.
Tương truyền, một lần vào mùa Xuân, nhân lúc nghỉ chân ở ven rừng khi đi tìm đất dựng thành, Vua Hùng trông thấy lũ trẻ chăn trâu đùa nghịch và hát đồng dao liền cho gọi chúng đến trò chuyện và ca hát cho vua nghe. Sau đó, nhà vua truyền dạy cho lũ trẻ những điệu hát múa của người Lạc Việt trên đất Văn Lang. Để tưởng nhớ công ơn đức vua, nhân dân quanh vùng đã dựng ngôi miếu ở chỗ vua nghỉ chân để thờ, gọi là miếu Lãi Lèn (nay thuộc xã Kim Đức, Tp. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Hàng năm, nhân dân các làng lại làm cỗ cúng vua vào ngày 30 tháng Chạp và tổ chức trình diễn những canh hát được trao truyền thuở nào từ sáng mùng 1 đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng với mục đích cầu mong vua ban phúc cho dân làng một năm an hòa. Nghệ thuật hát múa ấy ban đầu được gọi là hát Xuân (hát vào mùa Xuân), sau này được đổi thành hát Xoan hay còn gọi là hát Cửa đình (khúc đình môn), hát Lãi Lèn, hát Đúm, hát thờ…
Hát Xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố: thơ, nhạc, hát, múa… Trong đó, hát và múa luôn đi cùng và hỗ trợ nhau, điệu múa kết hợp với các đạo cụ như quạt giấy, phách tre, nậm rượu... minh họa nội dung cho lời ca. Hát Xoan còn có sự gắn bó mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc, nhịp điệu thơ và nhịp điệu nhạc, ý thơ và ý nhạc đều có sự thống nhất.
Lời ca trong hát Xoan được cấu trúc theo nhiều thể thơ như: thể thơ 4 chữ, 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, tự do… phản ánh khá rõ tín ngưỡng của cộng đồng người Việt (thờ tổ tiên, thờ thần, phồn thực…). Cùng với nội dung về thần linh, thần quyền, lời ca trong hát Xoan còn đề cập đến vương quyền và một số chủ đề khác như: nghề nông, các tầng lớp sĩ – nông – công – thương hay tình yêu đôi lứa.
Hát Xoan có nhiều kiểu hát: hát nói, hát ngâm ngợi và hát xướng. Về sắc thái âm nhạc, hát Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng mềm mại, trữ tình.
Một cuộc hát Xoan thường có 3 chặng là: chặng nghi thức (hay còn gọi là chặng hát nghênh thần) gồm 5 điệu hát múa: múa Mời Vua; hát Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang và Đóng đám; chặng hát các Quả cách gồm 14 quả cách: Hồi liên cách, Nhàn ngâm cách, Tràng mai cách, Đối dẫy cách, Thuyền chèo cách, Xoan thời cách, Hạ thời cách, Thu thời cách, Đông thời cách , Tứ mùa cách, Ngư tiều canh mục cách, Tứ dân cách, Chơi dâu cách và Kiều giang cách; chặng hát hội (hay còn gọi là Đi chơi bợm gái) gồm 11 bài: Đi chơi bợm gái (bạn gái), Đường đi trên suối dưới khe, Trèo lên cây bưởi hái hoa, Hát đúm, Bỏ bộ, Xin huê, Đố huê, Đố chữ, Hát mời rượu, Cài huê và Mó cá.
Những người đi hát Xoan được tổ chức lại thành phường Xoan (hoặc họ Xoan), bao gồm 15-18 người, trong đó 2-6 nam (gọi là kép), 6-12 nữ (gọi là đào). Trong phường ít nhất phải có một kép trẻ, tuổi từ 10-15. Đứng đầu phường Xoan là ông trùm - người vừa hướng dẫn đào kép hát, múa, vừa quản lý và giao dịch với các làng mà phường Xoan đến hát.
Mỗi phường Xoan được giữ hát ở một số cửa đình nhất định. Từ đó dẫn đến tục kết nghĩa giữa phường Xoan và người địa phương ở đình sở tại, phản ánh tình cảm trong sáng, lành mạnh trong sinh hoạt hát Xoan; đồng thời thể hiện vai trò và giá trị của nghệ thuật hát Xoan trong đời sống sinh hoạt cũng như tâm linh của người dân Phú Thọ.
Trong quan niệm của phường Xoan, trang phục khi đi hát phải đẹp, trang trọng để không những biểu hiện lòng tôn kính với thần linh mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với dân các làng kết nghĩa. Đây cũng là biểu hiện văn hóa ứng xử của phường Xoan.
Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali – Indonesia, hát Xoan Phú Thọ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Không khí Xuân đang tràn ngập khắp mọi miền đất nước, đặc biệt, mảnh đất Phú Thọ - nơi lưu giữ 2 di sản văn hóa phi vật thể thế giới (hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương) - lại càng rộn ràng, náo nhiệt hơn bao giờ hết. Du khách hãy một lần ghé thăm mảnh đất Tổ vào những ngày đầu Xuân để có dịp lắng nghe những làn điệu Xoan cổ da diết, đằm thắm, trữ tình và cảm nhận mùa Xuân về trong từng câu hát, điệu múa của con người nơi đây.
Phạm Phương