Du lịch Kon Tum - tiềm năng và thế mạnh
Cập nhật: 19/02/2013
Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, trong đó Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn là 1 trong 31 khu vực có tiềm năng phát triển Khu du lịch chuyên đề quốc gia; Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ...

Những điểm du lịch hấp dẫn


Kon Tum có tiềm năng lớn về thủy điện với trên 13.419 ha diện tích mặt hồ thủy điện. Ngoài chức năng cung cấp điện, thì hồ chứa nước và cảnh quan xung quanh cũng là những điểm du lịch hấp dẫn như: Thủy điện Yaly, Thủy điện Pleikrông… Thêm vào đó, địa hình của Kon Tum chủ yếu là đồi, núi ngắn, dốc, phong cảnh tự nhiên còn hoang sơ rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng, phát triển rau hoa xứ lạnh, trồng sâm Ngọc Linh…

Kon Tum là một vùng đất đậm đặc về văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú, độc đáo mang bản sắc đặc thù, thể hiện ở các loại hình như: văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, nhà rông, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, ngôn ngữ, chữ viết, chạm khắc, hoa văn, họa tiết, dệt thổ cẩm, đan lát...

Với hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 54%, có 7 dân tộc bản địa cư trú từ lâu đời như: Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Ba Na, Gia Rai, H’rê, Brâu và Rơ Măm và một số dân tộc thiểu số ở các tỉnh khác đến, mỗi một dân tộc lại có những đặc điểm, phong tục, tín ngưỡng riêng, tạo nên các giá trị văn hoá vừa đa dạng, phong phú, vừa đặc sắc của đồng bào dân tộc khu vực Bắc Tây Nguyên.

Kon Tum có rất nhiều làng, bản với những nếp nhà sàn nguyên sơ được gìn giữ qua nhiều thế hệ, cuộc sống quần cư thanh bình với các sinh hoạt văn hoá đặc sắc... thực sự là sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, một trong những nét văn hóa đặc sắc vô cùng nổi bật và không thể không nhắc đến đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, trong đó tỉnh Kon Tum vinh dự được đóng góp hai bộ chiêng Tha của người dân tộc Brâu. Các công trình, di tích kiến trúc văn hoá, nghệ thuật như: Nhà thờ gỗ, chùa Bác Ái, toà giám mục Kon Tum cũng thu hút một lượng du khách lớn khi đến Kon Tum.

Kon Tum là vùng đất có lịch sử lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng với các di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp Quốc gia như: di tích lịch sử Ngục Kon Tum; di tích lịch sử Ngục Đăk Glei; di tích lịch sử, danh thắng Măng Đen (Kon Plông); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh; di tích chiến thắng Plei Cần, với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn, hiện đang được tôn tạo, bảo quản sẽ giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh, truyền thống văn hoá của các dân tộc sinh sống ở tỉnh Kon Tum; ngã ba Đông Dương và đường mòn Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại lịch sử Cách mạng Việt Nam, đang có sức hút rất lớn đối với loại hình du lịch tưởng niệm, thăm chiến trường xưa.

Con đường di sản miền Trung và Tây Nguyên

Nổi bật trong tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Kon Tum là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y- một địa điểm trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có vị trí rất thuận lợi đối với sự giao lưu phát triển với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và giao lưu quốc tế. Giáp ranh với CHDCND Lào 30 km, Vương quốc Campuchia 25 km, đây là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành du lịch Kon Tum phát huy tối đa tiềm lực phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch Carnaval đang trở nên phổ biến như hiện nay, mở rộng hành trình du lịch Con đường di sản miền Trung và Tây Nguyên sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.

Bên cạnh những tiềm năng sẵn có của địa phương, ngành du lịch Kon Tum được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tỉnh rất quan tâm chú trọng phát triển. Theo đó, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của ngành, trong những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2001 – 2010, lượng khách du lịch đến Kon Tum liên tục tăng với mức tăng trưởng tương đối cao. Năm 2001, Kon Tum mới chỉ đón 17.267 lượt khách du lịch thì đến năm 2010 đã đạt 125.500 lượt khách, tăng gấp 6,68 lần so với năm 2001, năm 2012 đón hơn 90 ngàn lượt khách du lịch, tăng 26% so với năm 2011.

Trong xu thế phát triển du lịch Việt Nam, trong khu vực ASEAN hiện nay, Kon Tum đã được xác định là đầu mối cho các tuyến du lịch trong nước và quốc tế quan trọng như: Tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch Carnaval đi qua các nước Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam... Loại hình du lịch Carnaval hiện đang phát triển mạnh và cửa khẩu quốc tế Bờ Y là một trong các cửa khẩu được lựa chọn để các đoàn xe Carnaval đi qua và làm thủ tục xuất nhập cảnh. Từ Kon Tum du khách còn có thể đi thăm Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, nối tour đến các điểm du lịch khác trong cả nước cũng như đón khách từ các tỉnh về.

Kon Tum đang dần nâng cao vị thế của mình trong hệ thống tuyến điểm du lịch quốc gia và trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Sự phát triển mạnh du lịch đường bộ nội khối đã khiến khách du lịch ASEAN đang trở thành nguồn khách đến quan trọng không chỉ đối với Kon Tum mà còn đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

www.taynguyen24h.com.vn