Lễ hội Đền – lễ hội của sự đoàn kết, đậm đà bản sắc dân tộc
Cập nhật: 20/03/2013
Lễ hội Đền 2013 diễn ra từ ngày 16/3 đến 18/3 dương lịch tại trung tâm thành phố Hà Giang. Ngay sau khi khai hội, từng đoàn người đã tập trung trước cửa Đền Mẫu, họ đến để cầu khấn Đức Thánh ban cho họ một cuộc sống yên bình và no ấm.

Sau đó, du khách sẽ được thưởng thức nhiều chương trình đặc sắc như dâng hương, tế lễ, biểu diễn giao lưu văn nghệ, hát văn, hát chèo, múa lân… Đặc biệt là màn rước kiệu qua phố, khi kiệu Thánh đi qua, mọi hoạt động khác của người dân đều dừng lại, các cửa hàng ven đường ngừng hoạt động kinh doanh, người đi đường vội vã dừng xe, trẻ em người lớn đứng chật ních hai bên đường, họ chắp tay hướng về Đức Thánh với tấm lòng thành kính cao độ…  

Điểm nổi bật trong lễ hội là các trò chơi dân gian thể hiện rõ bản sắc văn hoá truyền thống từ ngàn đời của cộng đồng 22 dân tộc đang sinh sống trên vùng đất Hà Giang. Những trò chơi hấp hẫn người xem như đánh đu, đánh yến, trèo cột hái quả, chọi chim, vừa gánh nồi vừa nấu cơm... Trò chơi đánh sảng (hay còn gọi là đánh quay) được coi là một môn nghệ thuật lôi cuốn nhiều người xem.    

Bên cạnh đó, phố ẩm thực, nơi có những gian hàng giới thiệu và bán các món ăn đặc sản của người dân vùng cao cũng thu hút hàng trăm người qua lại thưởng thức.  

Một điều đáng ghi nhận đó là tình hình an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội rất đảm bảo, tuyệt đối không có tình trạng trộm cắp, móc túi, lừa đảo. Những hoạt động mê tín dị đoan cũng không hề xảy ra.

Lễ hội không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân, thu hút khách du lịch mà còn tạo nên sự đoàn kết giữa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.    

Ông Lò Doãn Kiểu, một người dân sống lâu năm tại Hà Giang cho biết, hoạt động văn hoá và tôn giáo rất phức tạp. Hà Giang là vùng đất tập trung nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có một phong tục tập quán riêng. Việc tập trung quản lý các hoạt động văn hoá, tín ngưỡng của các dân tộc là rất cần thiết trong việc tạo nên sự đoàn kết trong nhân dân, hướng đến ổn định chính trị và phát triển kinh tế.  

Ngày cuối cùng diễn ra lễ hội, người dân Hà Giang cùng khách thập phương vui mừng tổ chức lễ khánh thành quả chuông đồng nặng hơn 500kg từ nguồn kinh phí do chính họ đóng góp. Tiếng chuông đầu tiên vang lên cũng là lúc lễ hội chính thức kết thúc, người dân cùng nhau ra về trong niềm hân hoan, phấn khởi… Họ cùng nhau hy vọng một năm mới bình yên và no ấm.

Vietnam+