Sau gần 3 năm tạm ngừng hoạt động để nâng cấp hạ tầng, vào cuối tháng 4/2013, Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQGBM) thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ mở cửa đón khách trở lại.
Diện mạo mới
Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQGBM cho biết, trước đây đường lên Bạch Mã hẹp, khó đi, nhưng được sự hỗ trợ nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (hơn 193 tỷ đồng), lòng đường được mở rộng lên 5,5-6m; hệ thống cầu cống, thoát nước hai bên được đầu tư hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho du khách qua lại thuận tiện, xe ô tô lớn nhỏ đi ngược chiều tránh nhau an toàn. Hiện đơn vị đang phối hợp tích cực trùng tu, phục hồi lại các biệt thự du lịch và đưa một số dịch vụ mới phục vụ đón khách vào dịp 30/4, 1/5 sắp tới.
Với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và môi trường cảnh quan thiên nhiên, Bạch Mã là trung tâm của dải rừng xanh kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt-Lào. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn từ 7-10 độ so với những vùng lân cận, tạo nên hệ sinh học phong phú, đa dạng với hơn 2.140 loài thực vật và 1.493 loài động vật; trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam. Bạch Mã đã trở thành điểm du lịch lý tưởng của du khách. Tại đây từng có nhiều chương trình du lịch ấn tượng thu hút lượng khách bình quân mỗi năm trên dưới 12 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 20%.
Theo ông Ngô Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường-VQGBM, hiện Ban quản lý VQGBM đang nỗ lực bảo tồn, phục hồi trở lại những hoạt động du lịch và có kế hoạch đưa thêm một số loại hình du lịch gần gũi, thân thiện với môi trường như: du lịch nghiên cứu, du lịch mạo hiểm, du lịch văn hóa tâm linh... Ngoài các điểm tham quan, khám phá thiên nhiên, Trung tâm đang hoàn thành việc xây dựng hệ thống diễn giải môi trường, góp phần nâng cao nhận thức của du khách trong việc bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Kêu gọi các nhà đầu tư
Về bài toán phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên anh Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQGBM cho hay, nhiệm vụ chính của Bạch Mã là bảo tồn và phát triển một cách bền vững. Phát triển du lịch ở đây được quy hoạch theo hướng xây dựng các sản phẩm sinh thái cao cấp, không phá vỡ cảnh quan, thân thiện với môi trường, trên cơ sở phát huy các giá trị hiếm có của vườn, phối hợp với văn hóa bản địa.
Theo hướng đó, VQGBM tiếp tục phối hợp với các doanh nghịêp du lịch khai thác tốt nguồn khách đến với khu du lịch, đồng thời liên kết đầu tư nâng cấp, đầu tư thêm một số dịch vụ giải trí mới. Tuy vậy, ngoài 2 biệt thự (Đỗ Quyên và Bạch Mã) cùng 2 nhà hàng đang được nâng cấp sửa chữa, 8 biệt thự khác của các doanh nghiệp du lịch Huế đã xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, các tuyến đường mòn Trĩ Sao, Đỗ Quyên, đường mòn thác Ngũ Hồ, đường mòn Vọng Hải Đài… dẫn đến các thắng cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của Bạch Mã cũng cần được nâng cấp, phục hồi.
Trong xu thế loại hình du lịch sinh thái, du lịch khám phá đang ngày càng được nhiều du khách chọn lựa, VQGBM đang cần có những nhà đầu tư đủ mạnh, có nhiều kinh nghịêm trong việc đầu tư, bảo vệ giữ gìn cảnh quan thiên nhiên môi trường để có những sản phẩm du lịch dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu của khách. Hiện, một số doanh nghiệp du lịch, nhà nghiên cứu đã trở lại tiếp cận với các khu du lịch sinh thái ở Bạch Mã để nghiên cứu, khảo sát.
Anh Trần Duy Hoà, Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch Huế cho biết, lâu nay qua liên kết thông tin trên website dulichhue.com.vn có nhiều khách du lịch muốn biết thông tin về khu du lịch Bạch Mã và thời gian hoạt động trở lại của các khu du lịch sinh thái ở Vườn. Theo anh, khách du lịch ngày càng thích xu hướng du lịch sinh thái, mạo hiểm, do vậy điểm đến du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ được nhiều du khách lựa chọn. Nhưng để tạo ấn tượng mới, Bạch Mã cần có thêm những dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách.
“Hiện, VQGBM đang có kế hoạch liên kết với ngành du lịch địa phương, các doanh nghiệp du lịch có kinh nghiệm tổ chức tour, tuyến du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm để nâng cao chất lượng dịch vụ và có thêm nguồn khách. Đồng thời, Ban lãnh đạo VQGBM đang xúc tiến kêu gọi các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư các hoạt động du lịch sinh thái khác ở Bạch Mã theo hướng liên doanh, liên kết hoặc cho thuê môi trường rừng và cảnh quan theo định hướng của Nhà nước về hoạt động du lịch đối với Vườn quốc gia”-ông Huỳnh Văn Kéo cho biết.