Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 với nhiều hoạt động hướng về biển đảo và các nghi lễ tri ân các hùng binh Hải đội Hoàng Sa sẽ diễn ra tại thành phố Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ ngày 25-29/4.
Ngoài lễ khai mạc diễn ra tối 27/4 tại Quảng trường Phạm Văn Đồng sẽ có Lễ rước thần Tứ linh (bằng hành, tỏi), thuyền câu đi Hoàng Sa và ghe bầu (mô hình) đi biển của đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải từ Bảo tàng tổng hợp tỉnh về trưng bày tại Quảng trường Phạm Văn Đồng. Tại thành phố Quảng Ngãi còn có các hoạt động Trại sáng tác, trưng bày và trao giải các tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh về biển đảo; trưng bày-triển lãm tài liệu, hiện vật, sách về biển đảo; tọa đàm liên quan đến chủ quyền lịch sử, pháp lý của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...
Điểm nhấn trong Tuần văn hóa biển đảo Quảng Ngãi là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại huyện đảo Lý Sơn trong 2 ngày 27 và 28/4 với các hoạt động như: Lễ rước tứ linh về đình làng; Lễ đua thuyền (hầu thần) tứ linh tại 2 xã An Vĩnh và An Hải; Cáo yết nghinh thần; Lễ cầu siêu cho các binh phu Hoàng Sa, Trường Sa và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc; Lễ hoa đăng; Cung nghinh các binh phu Hoàng Sa và rước Bằng di tích quốc gia.
Bên cạnh đó, còn có các tour du lịch tham quan các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Lý Sơn, với các di tích gắn liền với đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; Lễ tế tại Âm Linh Tự (làng An Vĩnh) - Lễ tế hàng năm của các tộc họ làng An Vĩnh cho các hùng binh trận vong (có phối thờ chiến sĩ Hoàng Sa); Liên hoan Văn hóa-Thể thao các huyện ven biển và hải đảo như thi đấu các môn thể thao truyền thống vùng ven biển và thi đấu bóng chuyền nam, bóng đá mini; các tiết mục ca, múa, nhạc chủ đề “Tình yêu biển đảo”...
Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Tuần văn hóa biển đảo, gắn với Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh cách đây gần 400 năm. Việc tổ chức Lễ hội này hàng năm đã góp phần khôi phục, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân ven biển và hải đảo, đặc biệt là duy trì các lễ hội truyền thống, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, văn hóa tâm linh của cư dân ven biển và hải đảo.