Xẻo Quýt - tiến bước cùng lịch sử
Cập nhật: 13/05/2013
(TITC) - Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt thuộc địa phận hai xã Mỹ Long và Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cách TP. Cao Lãnh hơn 30 km về phía đông nam.

Xưa kia, nơi đây là vùng đất ngập nước hoang vu chỉ có rừng tràm xanh ngút ngàn và nhiều kênh rạch chằng chịt. Lợi dụng địa hình này, từ năm 1960 đến năm 1975, tỉnh ủy Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) đã chọn nơi đây làm căn cứ để lãnh đạo kháng chiến đến ngày toàn thắng. Ngày nay, Xẻo Quýt đã được quy hoạch bảo tồn và phát triển trở thành một khu di tích lịch sử nổi tiếng hấp dẫn du khách. Tính đến cuối năm 2012, đã có hơn 50.000 lượt khách đến Xẻo Quýt. Số lượt khách đến tham quan đạt 123% so với kế hoạch năm 2012.

Khu di tích lịch sử Xẻo Quýt có môi trường sinh thái đa dạng bao gồm 170 loài thực vật như: tràm, gáo, sậy, trâm bầu, sen, súng... đặc biệt là hơn 20 ha rừng tràm nguyên sinh với những cây tràm có tuổi thọ trên 30 năm vẫn được gìn giữ nguyên vẹn; 200 loài động vật hoang dã, trong đó có 13 loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như trăn mốc, rắn hổ trâu, rùa hộp, rái cá, chim sả mỏ rộng… Cùng với tiềm năng thiên nhiên phong phú, nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng như: hầm bí mật, hầm tránh bom chữ A, hầm bí mật cá nhân hình chữ L, công sự chiến đấu chữ Z, những “bãi ngù – tử địa” có gài lựu đạn chống trực thăng và xe tăng bộ binh của địch, nhà hội họp, làm việc và sinh hoạt của cơ quan tỉnh ủy Kiến Phong trong thời gian chiến tranh.

Để tạo mô hình du lịch chuyên nghiệp và có sức hấp dẫn cho khu di tích, Ban Quản lý khu di tích đã chia Xẻo Quýt thành 2 khu vực riêng biệt: khu vực 1 (diện tích 50 ha) là nơi để du khách tham quan, tìm hiểu về khu di tích; khu vực 2 (diện tích 25 ha) là nơi để du khách dừng chân, sinh hoạt dã ngoại và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như: dỡ chà bắt cá, đặt lọp, bắt vịt, đua xuồng ba lá, đi cầu khỉ... Ban Quản lý còn đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, nạo vét hệ thống kênh, rạch để trồng hoa súng; xây dựng thêm các công trình hạ tầng du lịch như: nhà hàng chuyên các món ăn đặc sản được chế biến từ rùa, rắn, chim, cá, chuột đồng... của vùng Đồng Tháp Mười; cầu bằng bê tông giả gỗ bắc qua những kênh, rạch; bố trí hợp lý các dịch vụ như: bán hàng lưu niệm (giỏ cườm, bình hoa bằng cườm, đồ thủ công mỹ nghệ bằng gỗ tràm), làm các sản phẩm thủ công (giỏ, sọt, nón…) bằng nguyên liệu lục bình… cũng như tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử trong khuôn viên khu di tích phục vụ du khách tham quan.

Đến thăm khu di tích lịch sử Xẻo Quýt, ngoài dịp ngồi trên xuồng ba lá vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng tràm, vừa nghe thuyết minh viên trong trang phục áo bà ba đen, đội mũ tai bèo giới thiệu về khu di tích, ca vọng cổ, hò, vè…, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về các loài động, thực vật nơi đây hay tham gia các dịch vụ du lịch phong phú và hấp dẫn.

Để đến Xẻo Quýt, du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thủy. Thông thường, du khách đi qua ngã ba An Hữu thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đến cầu Long Hiệp, rồi từ đó đón đò đi Xẻo Quýt, hoặc có thể đi đường bộ từ quốc lộ 1 rồi rẽ vào quốc lộ 30, đến thẳng Xẻo Quýt.

Thanh Hải